Long Covid là gì?
WHO định nghĩa “Long Covid” là “tình trạng sau khi mắc Covid-19”, tên gọi do hệ thống phân loại bệnh tật theo quốc tế của cơ quan y tế thuộc Liên Hợp Quốc đề xuất.
“Tình trạng sau khi mắc Covid-19 xảy ra ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi mắc bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán”, WHO cho biết.
“Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và những triệu chứng khác, thường ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng có thể xuất hiện khi Covid-19 mới khởi phát hoặc sau khi bệnh nhân phục hồi. Các triệu chứng Covid-19 kéo dài có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian”, WHO nói thêm.
Bên cạnh đó, WHO cho biết sẽ có một định nghĩa riêng về “Long Covid” ở trẻ em.
Trước đây, WHO đã mất nhiều thời gian để quyết định đưa ra một định nghĩa chính thức về “Long Covid” vì có rất nhiều triệu chứng liên quan đến tình trạng này.
“Đối với WHO, đây là một vấn đề lớn. Chúng ta phải luôn cảnh giác, đại dịch vẫn chưa kết thúc và nó đang tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngoài ra, đại dịch cũng gây ra những hậu quả lâu dài cho người dân trên thế giới. Trong khi có nhiều chỉ số về dịch bệnh đang giảm, vẫn có những vấn đề lớn đang xuất hiện ở nhiều quốc gia”, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết.
Ông Ryan cho rằng, định nghĩa về Covid-19 kéo dài là “một bước tiến dài” trước khi WHO tìm hiểu thêm về tình trạng bệnh đang phát triển và có khả năng thay đổi.
Hầu hết những người mắc Covid-19 đều có các triệu chứng chung là ho dai dẳng, sốt và khó thở, và sẽ hồi phục sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, đối với một số người, các triệu chứng có thể kéo dài hơn nữa.
WHO ước tính 10-20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Các triệu chứng kéo dài có thể bao gồm mệt mỏi dai dẳng, khó thở, sương mù não và trầm cảm.
Các chuyên gia y tế nói rằng tình trạng Covid-19 kéo dài là mối lo ngại cho sức khỏe cộng đồng do tác động đáng kể của nó đối với xã hội, từ tăng chi phí chăm sóc sức khỏe đến thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Cho đến nay, chưa có hướng dẫn điều trị hoặc phục hồi chức năng được kiểm chứng cho những người bị Covid-19 kéo dài, ngay cả khi hội chứng này đang làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và khả năng làm việc của họ.
Phòng ngừa Covid-19 kéo dài
Tạp chí Y học Anh đã tổ chức một hội thảo trực tuyến để thảo luận về chẩn đoán, kiểm soát và dự đoán về sự phát triển của tình trạng Covid-19 kéo dài.
Các chuyên gia y tế cho biết, mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến ở nhiều người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài. Ngoài ra, còn có một loạt các triệu chứng khác bao gồm đau nhức cơ, tức ngực, phát ban, sốt, nhức đầu và tiêu chảy.
“Một đặc điểm phổ biến của hội chứng Covid-19 kéo dài là tính chất tái phát, thuyên giảm của bệnh. Khi bạn cảm thấy như mình đã khỏi bệnh, nhưng sau đó tình trạng này sẽ quay trở lại. Điều này gây thất vọng, không chỉ đối với bạn mà còn với những người xung quanh, những người thực sự muốn bạn hồi phục”, Nisreen Alwan, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Southampton, cho biết.
Paul Garner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho biết, tình trạng Covid-19 kéo dài đã khiến ông cảm thấy “liên tục bị vùi dập trong 2 tháng đầu tiên sau khi mắc bệnh”. Ông Garner trải qua các triệu chứng nhẹ hơn trong 4 tháng sau đó nhưng vẫn luôn cảm thấy mệt mỏi.
Về việc phòng ngừa hội chứng này, chuyên gia Alwan, người cũng mắc Covid-19 kéo dài, nói rằng, “cần tìm hiểu những điều gây ra tình trạng mệt mỏi hoặc các triệu chứng khác và cố gắng tránh những điều đó”.
Bà Alwan cho rằng, điều cần thiết là đưa các ca mắc hội chứng Covid-19 kéo dài vào thống kê sâu rộng hơn về dịch Covid-19. “Chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội lớn để xác định số lượng và đánh giá những ca mắc Covid-19 kéo dài theo cách chúng ta đang làm với số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong do dịch bệnh”, bà Alwan nói.
Theo dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia tổng hợp, tại Anh, ước tính có khoảng 970.000 người (tương đương 1,5% dân số) đã báo cáo về hội chứng Covid-19 kéo dài vào ngày 1/8.
Tỷ lệ mắc hội chứng Covid-19 kéo dài cao nhất ở những đối tượng như phụ nữ, người từ 35-69 tuổi, người sống ở khu vực thiếu dịch vụ y tế, người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và người khuyết tật./.
*Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.