Khí đốt trở thành “con tin”
Cảnh báo của ông Lukashenko đã làm chao đảo thị trường năng lượng và cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Belarus với Nga – quốc gia chiến 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, trong đó có tuyến đường ống dẫn chạy qua Belarus.
“Chúng ta đang sưởi ấm châu Âu nhưng họ vẫn đe dọa sẽ đóng cửa biên giới. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cắt dòng chảy khí đốt tự nhiên đến đó? Tôi khuyên giới lãnh đạo Ba Lan, Litva và các quốc gia khác hãy suy nghĩ trước khi nói”, ông Alexander Lukashenko tuyên bố ngày 11/11.
Tuyến đường ống dẫn khí đốt mà ông Lukashenko nói đến là đường ống Yamal-Europe đi qua Belarus, đưa khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu, có công suất 32,9 tỷ m3/năm và chiều dài hơn 4.100km, thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga). Nó dẫn khí đốt từ các mỏ khổng lồ của Nga ở Bán đảo Yamal và phía Tây Siberia tới Đức và Ba Lan. Đường ống này không trực tiếp phân phối khí đốt cho các nước châu Âu khác nhưng cung cấp cho các kho chứa khí đốt khổng lồ của Đức – vốn được các công ty năng lượng và thương nhân trên khắp châu Âu sử dụng.
Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu và khoảng 1/5 sản lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga được trung chuyển qua Belarus vào năm 2020, chủ yếu bằng đường ống Yamal. Điều này khiến Belarus trở thành nước trung gian quan trọng đối với hoạt động mua bán khí đốt giữa Nga với châu Âu. Việc Tổng thống Alexander Lukashenko đe dọa cắt đứt dòng chảy khí đốt này để trả đũa bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của châu Âu có thể là mối lo ngại lớn với các công ty năng lượng trong bối cảnh khu vực đang đối mặt một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Công ty năng lượng Gascade có trụ sở tại Đức cho biết, sản lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu qua đường ống Yamal-Europe đã giảm khoảng 40%, xuống còn gần 450.000m3/giờ vào ngày 12/11, trong khi việc cung cấp khí đốt qua Ukraine vẫn ổn định.
Hiện giá khí đốt trên thị trường châu Âu đang ở mức cao gần kỷ lục do nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tăng mạnh sau đợt suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Vì thế bất cứ sự gián đoạn nào về nguồn cung có thể đẩy giá cả tăng cao hơn nữa, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt khí đốt sưởi ấm cho các hộ gia đình trong mùa Đông và khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Nguy cơ xung đột biên giới
Động thái của ông Lukashenko được đưa ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về tình hình biên giới Belarus - Ba Lan, nơi có hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt trong những ngày gần đây. Một phần trong số họ đến Belarus từ Iraq, Syria và Yemen. EU cáo buộc Belarus châm ngòi khủng hoảng để phá hoại an ninh của khối, đồng thời xem xét áp đặt vòng trừng phạt mới với quốc gia này. Tuy nhiên Belarus đã phủ nhận cáo buộc tạo ra khủng hoảng và chỉ trích phương Tây đối xử tệ với người di cư.
Giới phân tích đã cảnh báo nguy xung đột quân sự tại biên giới Ba Lan-Belarus khi các bên triển khai hàng nghìn binh sĩ và khí tài tới khu vực biên giới. Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, hai máy bay ném bom chiến lược của Nga đã được điều động tới Belarus để thực hiện sứ mệnh tuần tra chung với các tiêm kích Su-30SM thuộc không quân Belarus.
“Đó là những máy bay ném bom có khả năng hạt nhân. Chúng tôi hiện không có lựa chọn nào khác”, Tổng thống Lukashenko cảnh báo.
Nhà lãnh đạo Belarus cho biết thêm, lực lượng bảo vệ biên giới cùng với lực lượng an ninh quốc gia đã được triển khai để đảm bảo theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của quân đội NATO và Ba Lan”. Trước đó, Ba Lan đã điều khoảng 15.000 binh sỹ, dựng hàng rào thép gai và cho xây dựng một bức tường ở khu vực này để ngăn chặn cuộc khủng hoảng di cư.
"Nhìn trước ngó sau" thái độ của Nga
Giới phân tích vẫn chia rẽ trước câu hỏi liệu lời đe dọa cứng rắn của Minsk có trở thành thành hành động quyết liệt hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này phụ thuộc vào ưu tiên chiến lược của Tổng thống Nga Putin - đồng minh lâu năm của Tổng thống Lukashenko. Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Công ty Bluebay Asset Management (Anh) nhận định, “tình hình sẽ leo thang căng thẳng hơn nữa”.
“Nga có thể ủng hộ động thái của Belarus vì điều đó gây thêm áp lực cho châu Âu. Ngoài ra, nó cũng tạo cho Moscow cái cớ để chính thức can thiệp vào cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan”, ông Timothy Ash nhấn mạnh.
Hơn nữa, lời cảnh báo từ phía Belarus có thể khiến Liên minh châu Âu phải đẩy nhanh việc xem xét thủ tục cấp phép cho Dự án Dóng chảy phương Bắc 2 gây tranh cãi của Nga.
Trái lại, Emre Peker, chuyên gia thuộc công ty tư vấn chính trị Eurasia Group, cho rằng ông Lukashenko sẽ khó thực hiện lời đe dọa làm gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga đến châu Âu, vì nó sẽ khiến Belarus sụt giảm doanh thu và có khả năng bị Moscow phản đối.
“Nga dựa vào việc trung chuyển khí đốt qua Belarus để thực hiện các hợp đồng với châu Âu. Việc đóng cửa đường ống này sẽ gây tổn hại ưu thế lâu dài trên thị trường của Gazprom và làm gia tăng lo ngại đối với sự ổn định nguồn cung từ phía Nga. Bên cạnh đó, Belarus sẽ mất đi nguồn thu 300 triệu USD mỗi năm có từ việc trung chuyển”.
Ông Emre Peker lưu ý, thiệt hại này có thể tương đương với thiệt hại về kinh tế mà Belarus phải chịu do biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với xuất khẩu dầu mỏ và kali của Belarus vào tháng 6 vừa qua.
Cùng chung quan điểm này ông Chris Weafer – người sáng lập Công ty tư vấn Macro Advisory cho rằng, dù là đồng minh thân thiết của Belarus nhưng nhiều khả năng Nga sẽ không cho phép Belarus chặn đường ống dẫn khí đốt tự nhiện của Nga tới châu Âu.
“Nga sẽ không cho phép điều đó xảy ra vì từ trước đến nay nước này luôn muốn khẳng định vị thế là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu và đáng tin cậy cho khách hàng châu Âu”./.