Quy mô chưa từng có của các biện pháp trừng phạt
Giao tranh giữa Nga và Ukraineđã kéo dài gần 3 tháng kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng. Bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của Ukraine và một loạt gói trừng phạt của phương Tây, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ chấm dứt chiến dịch quân sự này.
Cho đến nay, phần lớn các nhà phân tích chủ yếu tập trung vào những diễn biến trên chiến trường, các điểm nóng xung đột, bước tiến hay bước lùi của cả Nga lẫn Ukraine mà ít ai để ý đến khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Nga dù phương Tây liên tiếp tung đòn trừng phạt. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những vấn đề về chuỗi cung ứng, thiết hụt năng lượng và suy thoái kinh tế, đáng chú ý là các biện pháp trừng phạt đã không thể kéo nền kinh tế Nga đi xuống.
Trước và sau khi đề cập những cách thức Nga thực hiện để ngăn chặn một thảm họa kinh tế, việc hiểu rõ quy mô các biện pháp trừng phạt mà nước này đang phải đối mặt là điều rất cần thiết. Trước hết là đòn trừng phạt ngân hàng trung ương Nga – một động thái chưa từng có tiền lệ, về cơ bản đã đóng băng hơn 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của đất nước. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt cũng cấm xuất khẩu công nghệ tiên tiến, thiết bị trong ngành năng lượng và công nghệ hàng không vũ trụ sang Nga.
Riêng Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu thô, khí đốt, than đá, các sản phẩm thô và bất cứ sản phẩm năng lượng khác của Nga. Còn Liên minh châu Âu đã cam kết cấm than đá và đang xem xét cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga.
Hệ lụy là một loạt công ty quốc tế như McDonald's, Coca-Cola, Apple và BP rời khỏi Nga. Không giống như các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, đòn trừng phạt mới nhất này có hiệu lực và gây ảnh hưởng ngay lập tức.
Đồng rúp của Nga đã mất gần 50% giá trị so với đồng USD, thị trường chứng khoán Moscow bị đóng cửa và có vẻ như phương Tây đã thành công trong việc đẩy Nga vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Nhưng sau đó, đồng rúp đã bắt đầu lấy lại giá trị. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị đồng rúp đã tăng cao hơn cả thời điểm trước chiến tranh. Những chỉ số khác như chỉ số tiêu dùng tăng cao cho thấy kinh tế Nga đang tăng trưởng khá tốt. Điều này khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi, Nga đã xoay sở như thế nào để giữ vững nền kinh tế?
Các yếu tố chính quyết định khả năng trụ vững của nền kinh tế Nga
Vị thế là nước xuất khẩu ròng cả năng lượng lẫn thực phẩm chủ lực đã cho phép kinh tế Nga tiếp tục phát triển. Trái lại nếu các biện pháp trừng phạt tương tự được áp dụng với một nước nhập khẩu ròng thì hậu quả mà họ phải đối mặt sẽ là quá trình phi công nghiệp hóa, nạn đói và tình trạng bất ổn.
Nga có lợi thế để tồn tại trong cuộc tấn công kinh tế của phương Tây. Nước này cũng có thể tạo ra thặng dư thương mại lớn từ việc xuất khẩu năng lượng bởi giá dầu mỏ và khí đốt đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng giúp đảm bảo nguồn ngoại tệ chảy vào Nga để xoa dịu mọi lo lắng về mất khả năng thanh toán. Một nguồn ngoại tệ khác đến từ Liên minh châu Âu, khi khối này vẫn chưa thể thoát ly hoàn toàn năng lượng Nga.
Tất nhiên toàn bộ số ngoại tệ này sẽ trở nên vô giá trị nếu Nga không thể sử dụng do các lệnh trừng phạt. Đây là điều khiến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cảnh báo Moscow có thể đối mặt với một vụ vỡ nợ vào tháng 4 vừa qua. Nhưng một lần nữa, Nga đã chứng minh đánh giá này là sai lầm bằng cách tận dụng các lỗ hổng trừng phạt.
Trước đó Mỹ đã áp dụng điều khoản miễn trừ tạm thời về thanh toán trả nợ của Nga trong chính sách trừng phạt, cho phép Moscow có thể thanh toán các khoản nợ trái phiếu nước ngoài và thoát nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên điều khoản này sẽ hết hiệu lực vào ngày 25/5 - thời điểm Nga sẽ vẫn còn các khoản trái phiếu chính phủ trị giá gần 2 tỷ USD phải thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài trước cuối năm nay. Thông tin mới nhất từ Bloomberg cho biết, Bộ Tài chính Mỹ không có kế hoạch gia hạn quy định miễn trừ này. Một khi quyết định được thực thi, không rõ Nga sẽ xoay sở ra sao để thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài. Bộ Tài chính Nga tuyên bố họ có thể phải áp dụng việc thanh toán bằng đồng rúp.
Ngoài lợi thế về năng lượng, sản xuất lương thực và khả năng trả nợ, một yếu tố khác mang tính quyết định là việc chính phủ Nga đã thực hiện một loạt biện pháp khẩn cấp để “cứu” đồng rúp. Kể từ năm 2014, khi Mỹ và EU trừng phạt Nga liên quan vấn đề Crimea, Moscow đã và đang nỗ lực tạo ra một “pháo đài kinh tế” để chống đỡ các lệnh trừng phạt.
Chẳng hạn, Nga đã tăng cường dự trữ vàng và ngoại tệ với giá trị khoảng 640 tỷ USD để có thể ứng phó với nguy cơ khủng hoảng. Ngân hàng trung ương Nga cũng tăng lãi suất lên 20%, buộc các nhà xuất khẩu Nga phải chuyển 80% doanh thu ngoại tệ của họ sang đồng rúp và giới hạn số tiền mà người dân có thể rút từ các tài khoản ngoại tệ ở mức 10.000 USD. Tất cả biện pháp này cùng với việc Tổng thống Putin yêu cầu các quốc gia không thân thiện phải thanh toán cho việc mua khí đốt tự nhiên bằng đồng rúp đã giúp Nga kiểm soát thị trường tài chính trong nước và phục hồi đồng nội tệ.
Dù ở thời điểm hiện tại, Nga vẫn vững vàng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng triển vọng tăng trưởng dài hạn đối với nền kinh tế của nước này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Các biện pháp nhằm chống lại lệnh trừng phạt không phải là giải pháp lâu dài. Chưa kể, Nga cũng phải đối mặt với tình trạng khó tiếp cận những công nghệ và hàng hóa cần thiết để duy trì các ngành công nghiệp then chốt. Nỗ lực cô lập của phương Tây, cùng sự cắt giảm nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt có thể làm giảm sức mạnh kinh tế của Nga. Moscow có thể đối phó với lệnh trừng phạt tốt hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ còn kéo dài./.