Hai tháng sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, Nga vẫn nỗ lực củng cố vị thế quân sự của nước này tại các nước láng giềng Trung Á. Điều đó đã có tác động nhất định đến Mỹ và Trung Quốc – hai cường quốc có tham vọng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Ưu tiên chống phiến quân và khủng bố
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Uzbekistan và Tajikistan) đã tiến hành cuộc tập trận gần biên giới giữa Tajikistan với Afghanistan vào ngày 18/10. Cuộc tập trận kéo dài 6 ngày, có sự tham gia của hơn 4.000 binh sỹ và 100 hệ thống pháo, là một trong số các cuộc tập trận lớn nhất của liên minh này trong những năm gần đây.
Theo Quân khu Trung tâm của Nga, cuộc tập trận mô phỏng kịch bản ngăn chặn các phần tử của “một tổ chức khủng bố quốc tế” vượt qua biên giới giữa Afghanistan và Tajikistan, diễn ra trước thời điểm phái đoàn cấp cao của Taliban tới thăm Moscow ngày 20/10 để tham gia các cuộc thảo luận quốc tế do Nga dẫn đầu về tình hình Afghanistan.
3 thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn được coi là nhà bảo trợ an ninh chính của Trung Á. Hàng nghìn binh sĩ Nga được triển khai tại các căn cứ ở đặt ở 3 trong số 5 nước thuộc vùng Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Bên cạnh đó, Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Trung Á.
Việc Taliban trở lại tiếp quản Afghanistan đã đặt ra những thách thức mới đối với vai trò của Nga trong khu vực. Trong giai đoạn nắm quyền đầu tiên từ năm 1996 đến 2001, Taliban được cho là đã hỗ trợ huấn luyện và đào tạo cho các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan tại Trung Á – những kẻ muốn lật đổ các chính phủ trong khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, Taliban đã tìm cách trấn an Moscow và các nước láng giềng Trung Á rằng, một khi trở lại nắm quyền, lực lượng này sẽ không cho phép bất cứ ai sử dụng lãnh thổ Afghanistan để phát động cuộc tấn công chống lại các quốc gia khác.
Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu hậu Liên Xô thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, việc giữ vững cam kết đối với Taliban sẽ rất khó khăn. Ông lưu ý, mặc dù Taliban không muốn tiến hành các cuộc tấn công qua khu vực biên giới phía bắc nước này, nhưng một số nhóm phiến quân ở Trung Á có thể nung nấu ý định phát động giao tranh và không có gì đảm bảo rằng Taliban sẽ thành công trong việc kiểm soát tình hình.
“Mặc dù các nhóm phiến quân này có quy mô không lớn, nhưng lại có kinh nghiệm chiến đấu và động cơ thực sự, điều đó khiến họ trở thành cơn đau đầu nghiêm trọng đối với các quân đội Trung Á”, ông Stanislav Pritchin cho biết.
Một mối lo ngại khác là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Putin thời gian gần đây cho biết, theo đánh giá của tình báo Nga, đang có ít nhất 2.000 tay súng IS hiện diện tại miền Bắc Afghanistan. Và thủ lĩnh của nhóm khủng bố này đang có kế hoạch xâm nhập vào Nga và Trung Á dưới vỏ bọc người tị nạn để kích động xung đột tôn giáo và sắc tộc.
Nga đã tìm cách chống lại những mối đe dọa tiềm ẩn này bằng cách mở rộng hoạt động quân sự trong khu vực. Chỉ vài ngày trước khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, Nga đã tổ chức 2 cuộc tập trận chung tại Tajikistan và Uzbekistan với sự tham gia của 4.000 binh sỹ từ 3 bên. Đến ngày 7/9, Nga đã điều hàng trăm binh sỹ tham gia cuộc tập trận CSTO ở Kyrgyzstan. Bên cạnh đó, Nga cũng tái trang bị cho căn cứ số 201 của nước này ở Tajikistan, bổ sung nhiều loại súng trường, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống tên lửa phòng không mới.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các đồng minh Trung Á là một ưu tiên khác của Nga. Tại Hội nghị Thượng đỉnh CSTO ở thành phố Dushanbe của Tajikistan hồi tháng 9, các thành viên của khối đã nhất trí thiết lập một ngân sách chung cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng, đồng thời thúc đẩy kế hoạch thành lập lực lượng quân cảnh và nhóm điều tra quân sự chung. Ông Fyodor Lukyanov, chủ tịch của Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng – một nhóm nghiên cứu chuyên tư vấn cho chính phủ Nga, giải thích rằng, những bước đi đó nhằm tạo ra “một rào cản vững chắc” tại Trung Á để ngăn sự bất ổn tiềm tàng tại Afghanistan lan tới khu vực.
“Nga muốn đảm bảo rằng, trong trường hợp có bất ổn tại Afghanistan thì vấn đề đó sẽ chỉ tồn tại trong biên giới của quốc gia này. Để làm được điều đó, Nga cần phải hỗ trợ các nước láng giềng củng cố năng lực quân sự”, ông Fyodor Lukyanov nói.
Ngăn cản sự hiện diện quân sự của Mỹ
Tuy vậy, việc đối phó với các nhóm phiến quân không phải là ưu tiên duy nhất của Nga tại Trung Á. Hiện giờ, Moscow vẫn đang lo ngại khả năng Mỹ thiết lập sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã để mắt đến các phương án điều động binh sỹ và máy bay chiến đấu của nước này tới Trung Á ngay cả trước khi các lực lượng Mỹ rút quân ra khỏi Afghanistan vào ngày 31/8. Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, sự hiện diện quân sự tại Trung Á sẽ giúp Washington có một căn cứ thuận tiện về mặt địa lý để thực hiện nhiệm vụ trinh sát hoặc không kích trên lãnh thổ Afghanistan.
Ông Putin được cho là đã nêu vấn đề này trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6, khẳng định, Moscow phản đối bất cứ sự hiện diện quân sự nào của Mỹ tại Trung Á.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng cho biết, ông đã nhấn mạnh với phía Mỹ rằng, “sự hiện diện quân sự của Mỹ ở các nước Trung Á dưới bất kỳ hình thức nào là không thể chấp nhận được”.
Một số nhân vật tại Washington vẫn nuôi hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận với Moscow về vấn đề này. Trong cuộc đối thoại trực tuyến do Viện Trung Đông của Đại học Quốc gia Singapore tổ chức, ông David Petraeus, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, Mỹ, Nga và Trung Quốc có các “vấn đề quan tâm chung” tại Afghanistan chẳng hạn như chống khủng bố và ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy.
Trái lại, ông Lukyanov thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga lưu ý, có rất ít triển vọng hợp tác giữa Moscow và Washington về vấn đề Afghanistan vì các nhà hoạch địch chính sách Nga tin rằng, nếu Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực thì điều này sẽ chỉ khiến tình hình thêm bất ổn.
Chìa tay với Trung Quốc
Trong khi dè chừng Mỹ, Nga bày tỏ sự sẵn sàng bắt tay hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Afghanistan. Vào đầu tháng 8, hơn 10.000 binh sỹ Nga và Trung Quốc đã tập trận chống khủng bố tại khu tự trị Hồi Ninh Hạ, Tây Bắc Trung Quốc. Tháng 9 vừa qua, hai bên cũng tổ chức tập trận chung tại khu vực gần biên giới của Nga với Kazakhstan.
Ngoài hợp tác trong lĩnh vực quân sự, Moscow và Bắc Kinh cũng tìm cách phối hợp trong các nỗ lực ngoại giao. Vào ngày 15/9, CSTO và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc đứng đầu đã tổ chức hội nghị tại Dushanbe để thảo luận về tình hình ở Afghanistan. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó vài ngày, Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov cho biết, ông thường xuyên có các cuộc trao đổi với Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu.
Alexei Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Đại học Tổng hợp Moscow, nhận xét, mặc dù Nga và Trung Quốc từ lâu được coi là đối thủ kinh tế ở Trung Á nhưng cuộc khủng hoảng Afghanistan đã khiến hai nước phải gạt bỏ những bất đồng sang một bên và cùng nhau chống lại mối đe dọa chung. Theo ông Maslov, hai bên có những công cụ khác biệt nhưng tương thích với nhau để giảm mối đe dọa từ Afghanistan. Nếu như quân đội Nga đóng vai trò là “bức tường thành vững chắc” ở biên giới phía Bắc của Afghanistan thì Trung Quốc có thể giúp bình ổn tình hình bên trong quốc gia này bằng cách cung cấp viện trợ kinh tế. Hơn nữa hai bên đều mong muốn hợp tác để ngăn các lực lượng Mỹ thiết lập sự hiện diện trong khu vực.
“Trung Á có lẽ là khu vực duy nhất trên thế giới – nơi mà các lợi ích của Nga và Trung Quốc sẽ luôn xung đột với Mỹ vì cả hai nước này đều cho rằng họ có tầm ảnh hưởng bắt nguồn từ lịch sử. Cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, yếu tố Mỹ là động lực chính khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn"./.