Tờ Financial Times hôm 17/10 đưa tin, Trung Quốc vừa thử nghiệm một tên lửa siêu thanhcó khả năng hạt nhân mới vào tháng 8 vừa qua. Động thái mới nhất của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh cuộc đua phát triển vũ khí tầm xa thế hệ mới, khó bị phát hiện và khó đánh chặn, trên thế giới đang ngày càng nóng hơn.
Mỹ và Nga cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh trong thời gian gần đây. Còn Triều Tiên tháng 9 vừa qua tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh mà nước này mới phát triển.
Tên lửa siêu thanh hoạt động như thế nào?
Tên lửa siêu thanh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh – tương đương 6.200 km/h trong khí quyển. So với tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa này vẫn chậm hơn, nhưng hình dáng nhỏ gọn và đường bay linh hoạt cho phép nó cơ động để tới gần mục tiêu và tránh xa các hệ thống phòng thủ. Trong khi tên lửa đạn đạo bay vào không gian với quỹ đạo hình vòng cung trước khi tiến đến mục tiêu, tên lửa siêu thanh có thể di chuyển linh hoạt ở quỹ đạo thấp hơn, khiến nó khó bị phát hiện.
Nền tảng chính của tên lửa siêu thanh là Hệ thống vũ khí tấn công từ quỹ đạo thấp (FOBS). Tên lửa này không mang đầu đạn hạt nhân hồi quyển truyền thống mà sử dụng phương tiện lướt siêu vượt âm với động năng rất lớn, giúp nó bay trong khí quyển với tốc độ cao, gây khó khăn cho các cơ chế phòng thủ truyền thống. Ngược lại, tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân bay trên tầng khí quyển nhưng không tiến vào quỹ đạo trái đất.
Cả Mỹ và Liên Xô đều nghiên cứu về FOBS trong Chiến tranh Lạnh. Liên Xô đã triển khai một hệ thống như vậy bắt đầu từ những năm 1970, nhưng sau đó loại bỏ vào giữa những năm 1980. Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có nhiều lợi thế giống của FOBS, như khó bị phát hiện và rất khó xác định nơi bắt đầu một cuộc tấn công, nhưng so với FOBS, nó hoạt động ổn định hơn.
Cuộc đua ngày càng nóng hơn
Theo Financial Times, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa siêu thanh có khả năng bay vòng quanh Trái Đất trước khi tăng tốc nhắm đến mục tiêu. Tên lửa này bay vào quỹ đạo thấp của Trái Đất trước khi quay lại bầu khí quyển với tốc độ siêu thanh. Mặc dù tên lửa bay trượt mục tiêu khoảng 3km song vụ thử cho thấy Bắc Kinh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển vũ khí siêu thanh so với những gì giới chức Mỹ tính toán.
Cùng với Trung Quốc, Mỹ, Nga và ít nhất 5 quốc gia khác đang phát triển công nghệ siêu thanh. Trước đó vào tháng 7, Nga đã thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon mà Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu là một phần của hệ thống tên lửa thế hệ mới. Đến tháng 10, Nga đã phóng thử thành công tên lửa này từ tàu ngầm.
Mỹ cũng không chịu kém cạnh trong cuộc đua. Cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí siêu thanh có tốc độ lớn hơn Mach 5, có thể tự bay trong khí quyển giống như tên lửa hành trình. Đây là lần đầu tiên Washington thử nghiệm thành công loại vũ khí này kể từ năm 2013.
Vài ngày sau tuyên bố của Mỹ, Triều Tiên phóng thử một tên lửa siêu thanh mà nước này mới phát triển, coi đây là "vũ khí chiến lược" giúp tăng cường khả năng phòng thủ, dù vậy, một số nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng, vụ thử nghiệm đã thất bại.
Gây nhiều lo ngại
Theo giới phân tích, các vụ thử nghiệm nói trên là những động thái mới nhất trong một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Bên cạnh các cường quốc quân sự, nhiều quốc gia châu Á nhỏ hơn cũng đang cố gắng phát triển những tên lửa tầm xa tiên tiến. Vũ khí siêu thanh và FOBS gây ra nhiều lo ngại vì chúng có khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm. Tuy vậy, một số chuyên gia cảnh báo không nên thổi phồng khả năng của các loại tên lửa giống như tên lửa mà Trung Quốc đã thử nghiệm vào tháng 8.
Jeffrey Lewis, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho rằng: "Trung Quốc đang sở hữu 100 tên lửa liên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Vũ khí siêu thanh là một vũ khí tuyệt vời, nhưng khái niệm về vũ khí này đã có từ lâu và hiện giờ nó mới được sử dụng như một cách thức để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa”./.