Đó là lời cảnh báo được một nhà ngoại giao Mỹ đưa ra trong ngày hôm qua (26/6), nhằm buộc các nước phải theo chân Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran. Liệu Iran có đủ sức ứng phó với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ?

rowhani_bliq.jpg
Tổng thống Hassan Rouhani. Ảnh: AP

Lời cảnh báo của quan chức Mỹ cho thấy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết theo đuổi chính sách cứng rắn hơn nhằm vào Iran. Theo quan chức ngoại giao Mỹ, việc gia tăng sức ép lên Iran là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và Mỹ sẽ ngăn chặn dòng tài chính mà Iran nhận được từ ngành xuất khẩu dầu.

Theo một nguồn thạo tin, hiện Mỹ đã hối thúc Nhật Bản xem xét ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Đề nghị này dường như được đưa ra trong một cuộc gặp song phương gần đây ở Tokyo, Nhật Bản - nơi các quan chức Chính phủ cấp cao hai nước thảo luận về những lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Trước đó, các nhà nhập khẩu dầu thô của Iran từng kỳ vọng, Mỹ sẽ kéo dài thời gian để các nước giảm dần lượng dầu nhập khẩu, bằng việc công bố tạm ngừng các lệnh cấm vận nhằm vào những nước có nỗ lực giảm tiêu thụ dầu mỏ của Iran.

Tuy nhiên, giới chức bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, chính quyền Tổng thống Donald Trump không có kế hoạch ngừng cấm vận, thay vào đó sẽ yêu cầu các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông bảo đảm nguồn cung cho các thị trường quốc tế trong thời gian tới. Dự kiến, đầu tuần tới, một đoàn quan chức Mỹ sẽ tới Trung Đông để thực hiện nhiệm vụ này.

Lời cảnh báo của Mỹ hôm qua cũng được coi là câu trả lời “không như ý muốn” dành cho Liên minh châu Âu, khi mà các doanh nghiệp thuộc Khối Liên minh này từng kỳ vọng có được quyền “miễn trừ” khi Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

Dự báo, Mỹ và EU sẽ có thêm một bất đồng thương mại mới trong tương lai gần khi EU từng tỏ ý quyết tâm bảo vệ doanh nghiệp của mình trước các lệnh trừng phạt của Mỹ và không ngần ngại đưa vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, sau lời cảnh báo của Mỹ, giá dầu thế giới ngày 26/6 ngay lập tức tăng 3%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2017 – thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và bắt đầu tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình hình kinh tế Iran đã thấy được phần nào các tác động tiêu cực từ các chính sách mới của Mỹ đối với nước này. Đồng nội tệ Rial đã mất giá nghiêm trọng khiến giới doanh nghiệp Iran tỏ ra quan ngại và bất bình.

Dẫu vậy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã hứa với người dân nước này rằng, Chính phủ có thể xử lý được áp lực kinh tế từ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Phát biểu tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Rouhani khẳng định, nguồn doanh thu của Chính phủ trong những tháng gần đây không hề bị sụt giảm và việc đồng nội tệ Rial đang mất giá chỉ là kết quả của các phương tiện truyền thông nước ngoài.

Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, Iran sẽ vẫn đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cơ bản của người dân và Iran có đủ ngoại tệ để “bơm” vào thị trường.

Cũng theo Tổng thống Rouhani, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là một phần của cuộc chiến “tâm lý, kinh tế và chính trị” và Mỹ sẽ phải trả giá cho hành động của mình. Theo nhà lãnh đạo Iran, quyết định rút ra khỏi thỏa thuận Iran đang làm tổn hại đến danh tiếng của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

“Cả thế giới đều biết rằng Mỹ đã vi phạm, chà đạp lên Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đã đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế. Điều này có nghĩa là vì chúng ta, Mỹ đã chấp nhận trả một cái giá đắt nhất.

Trong khi đó, Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an đã lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố rằng Iran có quyền làm giàu urani. Vâng, tất cả các nước đều có quyền làm giàu urani vì mục đích hòa bình, nhưng Hội đồng Bảo an chưa bao giờ ra tuyên bố như vậy cho một quốc gia khác. Đó chính là thành công của đất nước chúng ta”, ông Rouhani tuyên bố.

Tuy nhiên, với biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, vấn đề kinh tế Iran trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi doanh thu của quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ.

Dù Iran được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, song quốc gia này sẽ vẫn cần những thay đổi lớn để có thể trụ lại được và “không nhượng bộ” với các trừng phạt sắp tới của Mỹ./.