Trong cuộc họp báo vào tuần trước giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi được hỏi về đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, ông Biden đã nói rằng dự án này sẽ bị hủy bỏ nếu Nga tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, ông Scholz vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình mặc dù hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng Đức và Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp và hành động cùng nhau.

Thông điệp gửi tới Điện Kremlin của ông Biden và ông Scholz đó là Mỹ, Đức và châu Âu có cùng một giọng điệu. Tuy nhiên, trọng tâm của vấn đề là câu hỏi về những gì Mỹ có thể mong đợi từ đối tác thân thiết và đồng minh Đức trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

“Đức chưa bao giờ là một đối tác dễ dàng”

Gần đây, khi Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí để trang bị tốt hơn cho quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết sẽ viện trợ 5.000 mũ bảo hiểm cho Kiev. Điều này đã bị xem là một trò đùa.

Thay vì vũ khí, Đức muốn dựa vào ngoại giao. “Nhưng chỉ riêng điều đó là không đủ”, Nhà Trắng nói.

Có một điều rõ ràng là từ trước đến nay Đức luôn thận trọng trong việc cung cấp vũ khí cho các khu vực đang gặp khủng hoảng. Mỹ đã yêu cầu Đức áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với Nga và Trung Quốc, tuy nhiên, Berlin đã tỏ ra miễn cưỡng, ngay cả dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel và hiện tại là Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz.

Constanze Stelzenmüller, chuyên gia về chính sách xuyên Đại Tây Dương tại Viện Brookings có trụ sở tại Washington, cho biết, sự thận trọng của Đức cũng liên quan đến hệ thống chính trị của nước này.

“Đức chưa bao giờ là một đối tác dễ dàng”, bà Stelzenmüller cho biết, đồng thời nói rằng việc ông Scholz đang lãnh đạo một liên minh ba đảng gồm đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh không làm cho mọi việc dễ dàng hơn.

Là một quốc gia phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, Đức rất thận trọng với thị trường Trung Quốc và Nga, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghiệp. Sophia Besch, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Đức thuộc Tổ chức tư vấn của Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng Đức là một quốc gia có ảnh hưởng ở châu Âu, cũng như khi nói đến Ukraine. Tuy nhiên, bà Besch cho rằng việc Đức tập trung vào ngoại giao là vì lợi ích kinh tế.

Ngoài ra, Đức có thể nhìn lại nhiều năm hòa giải ngoại giao với Nga, bao gồm các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy và các cuộc đàm phán xung quanh thỏa thuận Minsk.

Mỹ có thể trông đợi gì từ Đức?

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ có cấu trúc khác với nền kinh tế Đức, và các nhà ngoại giao Mỹ có những ưu tiên khác. Mỹ có thặng dư thương mại lớn, đặc biệt là với Trung Quốc. Trong khi đó, Đức phụ thuộc vào các thị trường này và hiếm để xảy ra rạn nứt ngoại giao.

Mỹ, có thể là cả Ukraine, không thể trông cậy nhiều vào vũ khí hoặc binh lính từ Đức. 350 binh sĩ được đưa đến Litva vài ngày trước chỉ là một nỗ lực mang tính biểu tượng, giống như đề nghị viện trợ 5.000 mũ bảo hiểm. Thủ tướng Scholz tới Nga vào ngày 15/2 để xoa dịu căng thẳng sau khi tình báo phương Tây lo ngại “Nga sắp can thiệp quân sự vào Ukraine”, nhưng Mỹ vẫn nghi ngờ về những gì sẽ xảy ra.

Tại Quốc hội Mỹ, các biện pháp trừng phạt đang được tranh luận sôi nổi. Đảng Cộng hòa muốn áp đặt các lệnh trừng phạt Nga ngay lập tức, cho dù binh lính Nga có tiến vào Ukraine hay không.  

Hành động cân bằng ngoại giao

Vai trò của Đức trong căng thẳng Nga – Ukraine đã trở thành một câu hỏi. Bà Besch cho biết, hy vọng vẫn còn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương một giải pháp ngoại giao sẽ đạt được, có thể bằng cách khôi phục Thỏa thuận hòa bình Minsk 2015.

“Tuy nhiên, hiệp ước này nổi tiếng là mơ hồ, được các bên giải thích khác nhau và không bao giờ được thực hiện đầy đủ. Những thành công ngoại giao của cả Đức và Pháp phụ thuộc vào thiện chí của Nga và việc này còn nhiều điều đáng lo ngại”, bà Besch nói./.