Trước những cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, cả Syria và Nga cùng bác bỏ những thông tin này. Những thông tin chưa được kiểm chứng do các nhà hoạt động đối lập tại Syria cung cấp cho biết, vụ tấn công tại Douma ngày 7/4 đã làm hàng chục người thiệt mạng, phần lớn trong đó là trẻ em, và làm hàng trăm người khác bị phơi nhiễm.

1523313934939_mfbk.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có câu trả lời với Syria trong những giờ tới. Ảnh: Getty Images

Nói với phóng viên trước khi bước vào phòng họp cùng giới chức an ninh Mỹ về tình hình Syria, Tổng thống Trump ngày 9/4 khẳng định: “Nếu đó là Nga, Syria hay Iran hoặc là tất cả họ đều liên quan thì chúng tôi sẽ cho thấy câu trả lời sớm thôi. Chúng tôi đang tìm kiếm một sự hồi đáp rất mạnh mẽ và vô cùng nghiêm túc”.

Với tuyên bố này của ông Trump, cộng đồng thế giới chờ đợi liệu ông chủ Nhà Trắng có lựa chọn giải pháp quân sự để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân thường Syria tại Douma hay không. Ông Trump đã nói rằng ông sẽ đưa ra câu trà lời trong 24 đến 48 giờ tới.

Trong lúc chờ đợi, giới quan sát các chuyên gia đã vạch ra nhiều kịch bản mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ lựa chọn cho vấn đề Syria.

Chiến lược gia John Bolton

Syria- là vấn đề mà John Bolton phải đối mặt ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng khi ông chính thức đảm nhận cương vị cố vấn an ninh an ninh quốc gia.

So với người tiền nhiệm H.R. McMaster, bị Tổng thống Trump sa thải hôm 23/3, ông John Bolton được biết đến là người có lập trường cứng rắn hơn. 

“Dù là một người hay nhắc tới biện pháp can thiệp quân sự, song John Bolton lại không hứng thú với những can thiệp vì các vấn đề nhân đạo. Quan điểm đối ngoại của Bolton là “thân Mỹ” và chính sách can thiệp của ông hoàn toàn gắn với quan điểm này”, phóng viên Jonathan Swan của trang Axios nhìn nhận.

Bolton đã phản đối cuộc tấn công năm 2013 của Mỹ tại Syria khi chính quyền của Tổng thống Obama lúc đó muốn vạch “ranh giới đỏ” tại chiến trường này. Tuy nhiên, theo Thời báo New York (The New York Times), ông Bolton lại vô cùng ủng hộ Tổng thống Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria ở gần thành phố Homs cách đây 1 năm, nhằm đáp trả cuộc tấn công hóa học xuống Idlib, Syria, hôm 4/4/2017.

“Đó là cuộc tấn công rất chính xác”, Thời báo New York dẫn lời ông Bolton.

Dẫn đầu đội ngũ cố vấn an ninh Nhà Trắng, ông Bolton lần này sẽ “hiến kế” gì cho Tổng thống Trump trong vấn đề Syria? Theo chuyên gia phân tích Jennifer Cafarella tại Viện nghiên cứu chiến tranh có trụ sở tại Washington (Mỹ), Tổng thống Trump sẽ có 3 lựa chọn nếu muốn tấn công Syria. Nhưng cả 3 đều có những điểm bất lợi mà Mỹ không thể không cân nhắc.

Thứ nhất, Mỹ sẽ tấn công các mục tiêu thuộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, giống như vụ tấn công Tomahawk mà ông Trump đã ra lệnh năm 2017. Tuy nhiên, vụ tấn công trước đó đã thất bại trong việc ngăn chặn quân đội Syria và liệu Mỹ có muốn lặp lại?

Thứ hai, là các cuộc tấn công nguy hiểm hơn nhắm vào rất nhiều các sân bay, căn cứ quân sự của Syria và có sự cảnh báo trước với Nga. Tuy nhiên, những vụ tấn công này sẽ không ảnh hưởng gì đến các lực lượng hỗ trợ Nga và như vậy chế độ của Tổng thống al-Assad cũng khó có thể suy yếu.

Thứ ba, là các cuộc tấn công có thể gây ảnh hưởng tới cả Nga và Iran. Mỹ có thể nhắm vào những mục tiêu là các căn cứ chung của Nga và Iran, hay các căn cứ chỉ huy và các trung tâm kiểm soát... Song đây cũng là lựa chọn nguy hiểm nhất, vì Nga khẳng định sẽ đáp trả các vụ tấn công gây nguy hiểm cho quân đội nước này tại Syria.

Bà Jennifer Cafarella cho rằng, với lựa chọn thứ 3 Nga, Iran và Syria có thể bị hạn chế trong nỗ lực bắn hạ tên lửa hay máy bay chiến đấu của Mỹ, nhưng thay vào đó một kịch bản còn nguy hiểm hơn có thể xảy ra là các cuộc đáp trả nhằm vào các tàu chiến Mỹ đang có mặt tại Địa Trung Hải.

Cũng phải kể đến tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump về việc rút sớm rút quân khỏi Syria. Câu hỏi lớn là liệu ông Trump có đang thay đổi mục tiêu từ chỗ rút quân khỏi Syria càng sớm càng tốt sang một chính sách rộng hơn để kiềm chế Nga, Iran và Syria?

Mỹ sẽ tấn công?

Sau vụ cáo buộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Tổng thống Trump đã cảnh báo với chính quyền Syria và các đồng minh thân cận của Tổng thống al-Assad rằng, vụ tấn công này đánh một dấu mốc quan trọng để Mỹ khẳng định lại vai trò trong cuộc nội chiến Syria.

Trước đó vài tuần, ông Trump đã tuyên bố sẽ sớm rút quân hoàn toàn quân đội khỏi Syria. Song theo nhiều quan chức Mỹ cũng như các quốc gia Arab đồng minh của Washington tại khu vực, việc Mỹ rút quân ngay tại Syria là chưa thể. Chính bản thân ông Trump cũng không nêu thời điểm cụ thể để thực hiện kế hoạch rút quân này. Trong khi, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không có bất cứ xác nhận nào với tuyên bố của Tổng thống.

CNN dẫn lời Thượng nghị sĩ Susan Collins, một thành viên đảng Cộng hòa, trong bài phỏng vấn hôm 8/4 rằng, Tổng thống Trump sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch sớm rút quân khỏi Syria dựa trên diễn biến tình hình thực địa. Theo bà Collins, Mỹ có thể lặp lại cuộc tấn công các mục tiêu của Syria, đồng thời gia tăng sức ép kinh tế với Nga.

“Tổng thống Trump đã ra lệnh tấn công Syria và đây có thể là lựa chọn chúng ta có thể cân nhắc vào lúc này. Nhưng quan trọng hơn hết là việc Tổng thống cần tăng cường sức ép và trừng phạt với Nga, bởi vì không có sự hỗ trợ của Nga, thì chính quyền al-Assad không thể tại vị đến bây giờ”, bà Collins nói.

Cùng ngày 8/4, Thượng nghị sĩ John McCain cũng lên tiếng về diễn biến tình hình Syria, cho rằng tuyên bố rút quân của ông Trump đã giúp củng cố chính quyền al-Assad và các đồng minh Nga, Iran. Đồng quan điểm với bà Collins, ông McCain muốn Tổng thống Trump có câu trả lời dứt khoát với cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào người dân thường: “Tổng thống Trump đã ra lệnh tấn công, đã có câu trả lời rõ ràng khi chính quyền al-Assad tấn công hóa học năm 2017 và Tổng thống cần ra lệnh một lần nữa để chứng minh rằng al-Assad sẽ phải trả giá đắt cho tội ác của ông ta”.

Thế giới đang chờ đợi câu trả lời của Tổng thống Trump trong những giờ tới. Trong khi, Nga cảnh báo về “hậu quả khôn lường” nếu Mỹ tấn công Syria.

Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra sáng sớm 10/4 (theo giờ Việt Nam), Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia khẳng định: “Không có cuộc tấn công vũ khí hoá học nào cả. Thông qua các kênh liên quan, chúng tôi đã chuyển đến Mỹ một thông điệp rằng, việc tấn công vào khu vực quân đội Nga được sự ủy nhiệm của một chính phủ hợp pháp sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng”./.