Việc triệu tập các cuộc họp đột xuất này diễn ra giữa lúc bùng phát những tranh cãi gay gắt giữa các bên về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria khiến nhiều người thương vong.

syria_rlro.jpg
Ảnh minh họa: AP

Đặc biệt, trong động thái mới nhất, Chính quyền Mỹ vừa tuyên bố sẽ hành động chống lại chính phủ Syria dù có hay không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 9/4, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hối thúc Hội đồng Bảo an hành động trước những thông tin xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Quan chức này cũng lên tiếng cảnh báo Mỹ sẽ "phản ứng" dù cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc có hành động hay không. 

Trong bài phát biểu ngay trước đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nhấn mạnh, Nga đã cảnh báo Mỹ về "những hậu quả thảm khốc" của hành động quân sự trái phép chống lại Syria. 

Đại sứ Nga lưu ý rằng, chưa xác định được vụ tấn công vừa qua tại Syria có sử dụng vũ khí hóa học hay không, đồng thời kêu gọi các nhà điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bay tới Syria ngay trong ngày hôm nay (10/4).

Đại sứ Nga cam kết rằng binh sỹ Syria và Nga sẽ hộ tống các nhà điều tra tới khu vực bị tình nghi đã xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Bên cạnh đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc cũng cho rằng, Mỹ, Anh và Pháp đang mở một chiến dịch đe dọa nước Nga bằng những cáo buộc về sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và sự đối đầu đã vượt quá mức có thể chấp nhận được ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ quan điểm rằng, những thông tin xoay quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hoàn toàn giả mạo. Về phía Syria, đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc Bashar al-Jaafari cũng bác bỏ việc vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria.

“Trung tâm Hòa giải về Syria của Nga vừa tuyên bố rằng các chuyên gia quân sự đã tiến hành điều tra tại Douma và những cuộc điều tra này cho thấy không có dấu hiệu sử dụng vũ khí hoá học ở đó. Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân tại các bệnh viện ở Douma, các bác sĩ của Nga đã chứng minh rằng những bệnh nhân này đã không bị ảnh hưởng bởi chất hóa học nào cả", ông Bashar al-Jaafari tuyên bố.

Lâu nay, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, vẫn cáo buộc quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công lực lượng đối lập, khiến nhiều dân thường thương vong, bất chấp sự phủ nhận của chính quyền Syria và Nga.

Thậm chí, Nga nhiều lần cáo buộc phương Tây luôn dùng cái cớ về các cuộc tấn công vũ khí hóa học mà họ tự tạo dựng để tấn công lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad.

Giữa lúc Nga, Mỹ đối đầu trực diện tại Liên Hợp Quốc về tấn công hóa học tại Syria, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vừa tuyên bố có rất nhiều lựa chọn về mặt quân sự đối với Syria và sẽ hành động nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Đặc biệt, những quyết định quan trọng liên quan tới Syria có thể sẽ được đưa ra trong vòng 24 - 48 giờ tới sau khi Mỹ xác định ai là thủ phạm trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Chúng ta sẽ sớm đưa ra quyết định và không lâu sau đó các bạn cũng sẽ được nghe về quyết định này. Chúng ta không thể để những tội ác mà chúng ta vừa phải chứng kiến mà các bạn có thể thấy điều đó thật khủng khiếp, chúng ta không thể để điều đó xảy ra trên thế giới này. Đặc biệt khi chúng ta có thể ngăn chặn được điều đó, với sức mạnh của Mỹ”.

Cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng tại Douma được đưa ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm khi cán cân của các cường quốc can dự vào nội chiến Syria đang có sự thay đổi lớn với thế thượng phong đang thuộc về Nga và các đồng minh.

Rất khó có thể dự đoán Mỹ hay các nước phương Tây có trở lại can dự sâu vào cuộc nội chiến tại Syria hay không và rằng liệu có phải Mỹ đang muốn tái hiện ''kịch bản Iraq” tại Syria hay không? 

Nhưng rõ ràng, vấn đề vũ khí hóa học nóng trở lại đúng thời điểm chính quyền Damascus đang trên đà thắng lớn với việc đạt được thỏa thuận với nhóm phiến quân cuối cùng kiểm soát Đông Ghouta, phần nào cho thấy con đường dẫn tới hòa bình cho đất nước Syria vẫn còn nhiều chông gai. Bởi lẽ chiến trường tại nước này vẫn đang bị chia năm sẻ bảy vì sự can dự của nhiều bên.

Đáng quan ngại hơn, nhiều chuyên gia thực sự lo ngại viễn cảnh chiến trường Syria có thể “nổ tung” sau lời đe dọa cân nhắc đòn quân sự của người đứng đầu nước Mỹ. 

Lo ngại càng có căn cứ khi trên thực tế một số nguồn tin khẳng định, chiến hạm Aegis USS Donald Cook với gần trăm quả tên lửa Tomahawk, đã nhận lệnh của Hải quân Mỹ rời Síp thẳng tiến đến vùng biển Syria. 

Theo Al-Masdar News, quyết định điều động chiến hạm USS Donald Cook đã được Hải quân Mỹ thực hiện ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng quân đội nước này có thể phát động tấn công Syria trong 24 hoặc 48 giờ tới./.