Ngày 12/7, tròn 1 tháng kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên được cả thế giới mong đợi. Mặc dù đang xuất hiện lo ngại về nguy cơ nảy sinh bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên về cách thức thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhất là sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng tuần trước, nhưng các bên liên quan vẫn cho rằng các cuộc đàm phán này đang đi đúng hướng.
Hàng loạt các thông tin bất lợi cho tiến trình đàm phán Mỹ-Triều gần đây như có thông tin tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên tiếp tục bí mật phát triển chương trình vũ khí hạt nhân; Triều Tiên cũng chỉ trích việc Mỹ đưa ra những yêu cầu thiếu thiện chí, buộc nước này thực thi cam kết phi hạt nhân hoàn toàn một cách vô điều kiện.
Trong khi đó, ngày 12/7, Mỹ tiếp tục cáo buộc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc khi chuyển dầu bất hợp pháp. Những điều này làm nảy sinh lo ngại về bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên về nhiều vấn đề, đặc biệt trong cách thức thực hiện hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa.
Xoa dịu lo ngại của các bên liên quan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 12/7 khẳng định, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tốn nhiều thời gian và thậm chí đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm này vẫn đang đi đúng hướng. Phản ứng của Triều Tiên đưa ra gần đây đơn thuần là chiến lược trong các cuộc đàm phán.
Theo phía Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên đã bước vào tiến trình đàm phán thông thường và các cuộc thương lượng cấp chuyên viên đã được khởi động. Thực tế khái niệm phi hạt nhân Triều Tiên từng đề cập "không khác biệt" so với khái niệm mà Mỹ và Hàn Quốc lâu nay vẫn nhắc tới.
Ngoài ra, yêu cầu của Triều Tiên không phải là gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hay bồi thường kinh tế như trước đây, mà Triều Tiên nhất quyết hướng tới chấm dứt quan hệ thù địch và thiết lập sự tin tưởng. Chính vì vậy, Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng, hai bên đang đứng trước cơ hội lớn nhất để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Triều Tiên đạt tiến triển trong lộ trình phi hạt nhân hóa
Phát biểu khi đang ở thăm Singapore ngày 13/7, Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ và Triều Tiên thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định Hàn Quốc sẵn sàng xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Triều Tiên sau khi nỗ lực loại bỏ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thành công.
Ông Moon Jae-in nói: “Nếu Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa, ông có thể dẫn dắt đất nước hướng đến thịnh vượng. Con đường này không dễ dàng, nhưng nếu các thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh được thực hiện với sự chân thành, thì các bên có thể đạt được các mục tiêu đề ra. Dựa trên tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ đưa ra một lộ trình kinh tế mới với Triều Tiên”.
Ủng hộ tâm lí lạc quan về tiến trình đàm phán Mỹ-Triều đang đi đúng hướng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7 cho rằng, các bước tiến lớn đang được thực hiện. Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, ông Donald Trump bày tỏ tin tưởng rằng sẽ không còn các vụ thử tên lửa, không còn hoạt động nghiên cứu hạt nhân khi Triều Tiên đã phá hủy một khu vực thử hạt nhân và được cho là đang phá hủy một bãi phóng thử tên lửa.
Cũng trong ngày 12/7, Tổng thống Donald Trump đã công bố bức thư của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó bày tỏ lạc quan về quan hệ song phương trong tương lai. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho rằng, “quyết tâm mạnh mẽ, những nỗ lực thực sự và cách tiếp cận độc nhất” của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên nhằm “mở ra một tương lai mới giữa hai bên, chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái”.
Thực tế cũng có nhiều cơ sở để các nhà lãnh đạo lạc quan với tiến trình đàm phán Mỹ-Triều khi chỉ 1 tháng sau cuộc gặp, hai bên đã đưa ra nhiều thiện chí như việc Mỹ dừng tập trận quân sự với Hàn Quốc, đến việc Triều Tiên phá hủy cơ sở hạt nhân. Hai đoàn đại biểu Mỹ và Triều Tiên dự kiến có cuộc gặp vào cuối tuần này để thảo luận việc trao trả hài cốt của binh lính Mỹ chết trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, sẽ tiếp tục là một chiến thắng chính trị cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như đặt nền tảng hướng đến việc giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Giới quan sát nhận định, với một Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên không có thời gian biểu cụ thể, không có kế hoạch hành động rõ ràng cho việc giải quyết hồ sơ hạt nhân gai góc nhất, sẽ không có gì ngạc nhiên khi tiến trình đàm phán luôn gặp khó khăn và bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào, nếu đạt được, cũng sẽ phải mất nhiều tháng và thậm chí nhiều năm./.