Bối cảnh hiện nay khác hoàn toàn với năm 2017 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tiếp có các cuộc khẩu chiến gay gắt, thậm chí đe dọa tấn công lẫn nhau.
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore ngày 12/6. Ảnh: Reuters |
Việc xây dựng lòng tin còn diễn ra cả ở Hàn Quốc khi Seoul không tổ chức lớn sự kiện kỷ niệm ngày bùng nổ chiến tranh Triều Tiên 25/6/1953 và vụ đụng độ lần thứ 2 giữa Hải quân Hàn Quốc và Triều Tiên trên đảo YeonPyeong ngày 29/6/2002.
6 thủy thủ Hàn Quốc đã thiệt mạng và 19 người khác bị thương trong vụ đụng độ trên đảo YeonPyeong năm 2002, sau vụ đụng độ thứ nhất xảy ra năm 1999.
Triều Tiên không còn “giọng điệu chống Mỹ”
Từ cuối tháng 6, Triều Tiên đã dỡ bỏ các tấm áp phích, biểu ngữ mang giọng điệu chống Mỹ trên đường phố Bình Nhưỡng. Đồ lưu niệm chống Mỹ cũng được thay thế bằng các mặt hàng và thông điệp tích cực hơn.
Ngày 25/6 – dịp kỷ niệm ngày bùng nổ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), các hãng truyền thông Triều Tiên đã không còn đăng tải các thông điệp, các tuyên bố chống Mỹ như vẫn thường làm trước đây. Thay vào đó, họ kêu gọi Mỹ nỗ lực xây dựng lòng tin phù hợp với cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo về việc phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong các bài bình luận, hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên cũng liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện tuyên bố chung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký.
Trang web tuyên truyền Meari nói rằng, Triều Tiên sẽ có các bước đi tương xứng nếu Mỹ có các biện pháp chân thành để xây dựng lòng tin và cải thiện quan hệ song phương.
Bài bình luận của Meari nhấn mạnh: “Thượng đỉnh Mỹ-Triều là một bước đột phá lịch sử vì nó xóa bỏ sự thù địch giữa 2 nước và mở đường cho mối quan hệ song phương mới. Cả hai nước nên có những nỗ lực chân thành để thực hiện tuyên bố chung”.
Uriminzokkiri, một trang web tuyên truyền khác cũng thúc giục Mỹ có các biện pháp tích cực để xây dựng lòng tin, đồng thời khẳng định quyết tâm “kiên định” của Bình Nhưỡng về một tương lai mới vì hòa bình thế giới.
Các tờ báo tuyên truyền khác là Triều Tiên Ngày này và tuần báo Tongil Sinbo, cũng đề nghị Mỹ thực hiện tuyên bố Singapore và xây dựng lòng tin.
Giới phân tích cho rằng, các hãng thông tấn nhà nước của Triều Tiên có vẻ như nhấn mạnh vào việc xây dựng lòng tin như một điều kiện tiên quyết để chấm dứt sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ qua cũng như đạt bước tiến hướng tới phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên dừng bán đồ lưu niệm mang thông điệp chống Mỹ
Sự “đáp lễ” của Mỹ và Hàn Quốc
Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý dừng cuộc tập trận chung quy mô lớn mà Triều Tiên trước đây thường phản đối khi cho đây là “hoạt động diễn tập xâm lược”.
Hai nước đồng minh đã tuyên bố dừng cuộc tập trận chung Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới. Động thái này diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt “trò chơi chiến tranh” tại cuộc họp báo thông báo kết quả của cuộc gặp Thượng đỉnh với ông Kim Jong-un .
Lần gần đây nhất Mỹ và Hàn Quốc dừng tập trận chung là năm 1992 khi Triều Tiên tuyên bố ý định ký một thỏa thuận về hạt nhân và chấp nhận sự thanh sát của quốc tế.
Năm 2017, khoảng 17.500 binh lính Mỹ và 50.000 binh lính Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi. Lịch tập trận chung Mỹ-Hàn cũng lên đến cao điểm trong năm 2017 cùng với 2 cuộc tập trận khác là Đại bàng non và Thần Sấm. Triều Tiên đã phản ứng một cách nhạy cảm, đặc biệt là với cuộc tập trận Thần Sấm mà Mỹ điều cả máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Bán đảo Triều Tiên.
Ở một diễn biến khác có liên quan, Tổng Thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã không tham dự buổi lễ chính thức ở Seoul nhân dịp 68 năm ngày nổ ra chiến tranh Triều Tiên mà chỉ có Thủ tướng Lee Nak-yon tham dự sự kiện này.
Thủ tướng Lee Nak-yon đã tái khẳng định cam kết của chính quyền Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như thiết lập hòa bình. “Tôi tin rằng hòa bình và thịnh vượng là phần thưởng tốt nhất đối với người dân Hàn Quốc và tất cả những nước đã từng chiến đấu trong chiến tranh. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để thiết lập nền hòa bình và thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên với sự chân thành và lòng kiên nhẫn, bất chấp mọi trở ngại”.
Trong khi đó, Mỹ cũng có một buổi lễ riêng để đánh dấu sự kiện này nhưng chỉ ở quy mô nhỏ với hơn 200 cựu chiến binh ở Washington D.C.
“Chúng tôi rất mừng khi các cuộc đối thoại cuối cùng cũng bắt đầu để hướng tới bình thường hóa các mối quan hệ, việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng như chấm dứt sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Triều Tiên”, Chủ tịch hiệp hội cựu chiến binh Paul Cunningham nói. “Tuy nhiên một điều khác cũng quan trọng không kém, đó là chúng tôi muốn tìm kiếm 7.700 binh lính Mỹ vẫn còn được xem là đang mất tích trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)./.
Cái bắt tay trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình của thế giới