Thông tin này được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến thăm Triều Tiên, nhằm thực hiện hóa các cam kết mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh vào ngày 12/6 vừa qua.

kim_pompeo_rvxj.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gặp Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại New York cuối tháng 5/2018. Ảnh: Getty

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, hai bên thiết lập kênh tham vấn để giải quyết các vấn đề quan trọng, bao gồm những nỗ lực để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Các thành viên phía Mỹ trong nhóm công tác này cũng đang tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm đầu tiên đến Triều Tiên, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều vào ngày 12/6 vừa qua.

Trong ngày đầu tiên tại Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp kéo dài 3 giờ với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol. Tại cuộc gặp, hai bên thảo luận việc thực hiện các cam kết đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, việc đưa về nước hài cốt của các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nếu được thực hiện, đây sẽ tiếp tục là một thiện chí tốt của Triều Tiên sau Thượng đỉnh Mỹ- Triều.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hiện nay là liệu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về các biện pháp cụ thể hướng đến tiến trình phi hạt nhân hóa hay không, trong đó có lịch trình hay cách thức thực hiện. Nhà Trắng trước đó thông báo, Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, cuộc gặp vẫn chưa được xác nhận.

Phát biểu tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên  Kim Yong-chol ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục khẳng định mong muốn hướng đến việc thực hiện các cam kết mà hai nhà lãnh đạo đã đưa ra: “Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết với một tương lai tươi sáng hơn cho Triều Tiên. Vì vậy, những việc chúng ta làm như con đường hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn và xây dựng quan hệ hai nước, là điều quan trọng cho tương lai tươi sáng của Triều Tiên và là đảm bảo cho sự thành công mà lãnh đạo hai nước mong muốn”.

Sau chuyến thăm Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ đến Nhật Bản để thảo luận với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản về kết quả chuyến thăm của Triều Tiên. 

Chuyến thăm tới Triều Tiên lần này cũng được cho là nhằm xoa dịu lo ngại của dư luận khi có các báo cáo từ cơ quan tình báo Mỹ rằng Triều Tiên vẫn đang tiếp tục các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân. Trước chuyến thăm, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hi vọng, ông Pompeo sẽ thảo luận với Triều Tiên về kế hoạch hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên, trong khả năng theo đuổi một mục tiêu thiết thực hơn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ thời gian biểu của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đưa ra, đồng thời chính quyền Mỹ cũng bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Phi hạt nhân hóa có thể xác minh đầy đủ và cuối cùng” về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, thay vì “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” mà Mỹ thường hay sử dụng. Một số quan chức và chuyên gia Mỹ cho rằng, sự thay đổi trong ngôn từ có thể  thấy cách tiếp cận mềm mỏng hơn của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. 

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn khẳng định, chính sách với Triều Tiên không thay đổi, nhưng rõ ràng những thay đổi trong ngôn từ với Triều Tiên cũng là cách tiếp cận mà một số quan chức và giới chuyên gia Hàn Quốc lên tiếng ủng hộ. Nhiều người cho rằng, Mỹ nên dừng việc gây sức ép với Triều Tiên bằng các yêu cầu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược” - mà Triều Tiên coi như một công thức giải trừ đơn phương, bất lợi cho nước này. Thay vào đó, Mỹ nên đề cập các bước đi làm “giảm mối đe dọa lẫn nhau”. Các cuộc đàm phán từng bước cũng sẽ dễ thành công hơn là buộc Triều Tiên cần phải thực hiện tất cả các yêu cầu của Mỹ, trước khi Mỹ có bất cứ nhượng bộ nào./.