Nhân viên y tế và bác sĩ kiệt sức

Irman Pahlepi đã trở lại bệnh viện Suyoto ở thủ đô Jakarta, Indonesia để tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân, sau khi khỏi bệnh Covid-19 lần thứ hai.

Khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong ở Indonesia tăng vọt, các nhân viên y tế dần trở nên kiệt sức nhưng Pahlepi, 30 tuổi, cảm thấy anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại làm việc ngay lập tức.

“Chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân phải điều trị so với năm ngoái. Số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 hiện tại cao gấp 4 lần so với giai đoạn tăng cao nhất vào tháng 1”, Pahlepi nói.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao kỷ lục vào ngày 27/7, với 2.069 người chết. Tới nay, Indonesia ghi nhận hơn 3,4 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 97.000 ca tử vong do dịch bệnh. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn dữ liệu được công bố chính thức do năng lực xét nghiệm của nước này còn thấp và nhiều bệnh nhân tử vong tại nhà.  

Khi Indonesia đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng do biến thể Delta lây lan nhanh chóng, tỷ lệ tử vong trung bình trong 7 ngày của nước này chỉ đứng sau Myanmar và cao hơn nhiều so với Ấn Độ vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bệnh hồi tháng 5.

Theo nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội bác sĩ Indonesia, trong số những người tử vong do Covid-19, có hơn 1.200 nhân viên y tế, bao gồm 598 bác sĩ. Trong đó, có ít nhất 24 bác sĩ đã được tiêm chủng đầy đủ.  

Mahesa Paranadipa, đồng lãnh đạo nhóm giảm thiểu rủi ro, cho biết, nhiều nhân viên y tế và bác sĩ kiệt sức vì khối lượng công việc quá lớn, điều này khiến họ có nhiều nguy cơ mắc Covid-19, giống như Pahlepi.

“Chúng tôi lo lắng rằng khối lượng công việc quá tải kéo dài có thể gây ra tình trạng kiệt sức đối với các bác sĩ và nhân viên y tế. Sự mệt mỏi khiến khả năng miễn dịch của họ giảm xuống”, Paranadipa nói.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin hôm 2/8 cho biết, trước những rủi ro do dịch bệnh mà nhân viên y tế phải đối mặt, ưu tiên hàng đầu là tiêm cho họ liều vaccine tăng cường thứ ba.

“Nhân viên y tế sẽ được tiêm vaccine tăng cường từ Moderna để họ có thể sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện”, ông Sadikin cho biết.

Bên cạnh việc thiếu nhân sự y tế, Indonesia còn đang gặp khó khăn về nguồn cung thiết bị y tế.

Bác sĩ Pahlepi cho biết, bệnh viện của anh đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy, khiến việc điều trị đúng cách cho bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.

“Trong 2 tháng qua, hàng chục người có triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng phải xếp hàng chờ giường bệnh tại khoa cấp cứu của bệnh viện. Đồng thời, bệnh nhân cũng xếp hàng dài để có một chỗ trong khu cách ly sau khi đã được điều trị”, Pahlepi nói.

Một số bệnh nhân mang theo bình oxy riêng và khi nguồn cung của bệnh viện cạn kiệt, các bác sĩ và y tế đã đề nghị họ chia sẻ oxy với những người khác.

Căng mình điều trị cho bệnh nhân

Trong năm 2020, hầu hết những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng mà Pahlepi điều trị đều là người cao tuổi. Nhưng hiện tại, khi biến thể Delta lan rộng khắp đất nước, hầu hết bệnh nhân đến phòng cấp cứu với các triệu chứng vừa và nặng là trẻ em và thanh niên.

Đứa con đầu lòng của vợ chồng Pahlepi đã ra đời khi Pahlepi đang mắc Covid-19, hiện tại bé gái đã được 5 tháng tuổi. Pahlepi nói rằng, với tư cách là một người cha, anh rất lo ngại khi thấy nhiều đứa trẻ mắc Covid-19 với các triệu chứng tương đối nghiêm trọng.

“Rất khó để giúp những đứa trẻ đặt ống thở oxy vì các em cảm thấy khó chịu khi có một vật lạ ở trước mặt. Các em cần cha mẹ ở bên cạnh khi chúng tôi đặt ống thở. Những đứa trẻ sơ sinh làm tôi nhớ đến con gái nhỏ bé của tôi ở nhà”, Pahlepi nói.

Pahlepi đã tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 kể từ đầu đại dịch, bắt đầu với tư cách là bác sĩ tiếp nhận người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội Gatot Soebroto.

Vào tháng 11/2020, Pahlepi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 dù đã thực hiện các biện pháp phòng dịch. May mắn thay, anh chỉ bị bệnh nhẹ và có thể trở lại làm việc sau khi hồi phục và cách ly trong 2 tuần.

Pahlepi lại một lần nữa mắc Covid-19 vào ngày 14/7 trong thời điểm làm việc tăng ca để điều trị cho lượng bệnh nhân tăng đột biến gần đây.

Trong lần mắc Covid-19 đầu tiên, Pahlepi không có triệu chứng, nhưng lần mắc bệnh thứ hai, anh bị đau đầu dữ dội và đau nhức xương khớp.

Giống như nhiều bệnh nhân Covid-19, Pahlepi quyết định cách ly tại nhà. Với những chuyên môn của một người bác sĩ, Pahlepi có thể tự theo dõi sức khỏe, đảm bảo nồng độ oxy trong máu ở mức ổn định và không cần điều trị nâng cao.

“Nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn cần điều trị tại bệnh viện hơn tôi”, Pahlepi nói trong một cuộc phỏng vấn qua video khi anh đang cách ly tại nhà.

Ngay khi tình trạng sức khỏe tốt hơn, Pahlepi đã quay lại bệnh viện để hỗ trợ những người đồng nghiệp đang làm việc quá sức.

“Khoa cấp cứu đã chật kín và chúng tôi đang quá tải bệnh nhân Covid-19. Số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của chúng tôi. Chúng tôi phải vận dụng 200-300% sức lực trong mỗi ca làm việc”, Pahlepi nói.

Mặc dù chưa biết khi nào tình hình dịch bệnh tại Indonesia sẽ dịu lại, nhưng Pahlepi luôn nghĩ tới ngày cuộc sống sẽ trở lại bình thường với đất nước và gia đình anh.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, nhưng chúng tôi phải giữ vững tinh thần để giúp Indonesia đẩy lùi đại dịch Covid-19”, Pahlepi nói./.