Vụ chìm phà Sewol đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc. Cùng với mức tiêu dùng giảm, hàng loạt các dự án bị đình trệ, khiến kinh tế Hàn Quốc khó gượng dậy ngay tức thì. Bên cạnh đó, sức ép dư luận cũng đang yêu cầu Hàn Quốc cần cải tổ Nội các khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.

Dư luận cũng đang nghi ngờ tính hiệu quả của chính sách cải cách kinh tế Hàn Quốc. Trong tình trạng đó, dự đoán tốc độ phục hồi kinh tế của Hàn Quốc 6 tháng đầu năm sẽ chậm so với kế hoạch đề ra.

Mức tiêu dùng giảm do tâm lý bất ổn

Một quan chức tài chính của Hàn Quốc cho biết sau sự cố chìm phà Sewol, tâm lý của người tiêu dùng dường như cũng khủng hoảng theo. Trên khắp đất nước Hàn Quốc bao trùm trong không khí đau thương, kéo theo sự ảm đạm của nền kinh tế. Theo ông, trước mắt không thể áp dụng những biện pháp mang tính chính sách ở đây được, bởi vì tâm lý của người dân Hàn Quốc đang rất bất an.

ap1.jpg
Sự đau đớn tột cùng của những người thân nạn nhân đi trên phà Sewol  (Ảnh: AP)

Chính phủ Hàn Quốc trong năm 2014 cũng đã áp dụng những biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế trong đó tập trung vào kích thích nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, điều đó không mấy hiệu quả khi tỷ lệ tiêu dùng của quí 1/2014 giảm từ 0,6% (so với quí 4/2013) xuống còn 0,3%, tỷ lệ gia tăng đầu tư thiết bị giảm xuống -1,3%.

Cũng theo quan chức tài chính Hàn Quốc, tình hình kinh tế Hàn Quốc hiện tại không mấy sáng sủa. Trong thời điểm này dù có đưa ra chính sách như thế nào, hành động quyết liệt ra sao cũng khó cải thiện được tình trạng kinh tế Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những tâm lý bất an đó không thể phủ nhận những kết quả mà nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt được trong thời gian qua. Theo Tổng cục thuế Hàn Quốc, lượng xuất khẩu trong tháng 4 tăng khoảng 4,3% và vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ bước vào thời kỳ hồi phục và bắt đầu đón những tín hiệu khả quan, cùng với những đơn đặt hàng mà Trung Quốc ký với Hàn Quốc trong thời gian qua cho thấy không phải toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc đều trong tình trạng “đáng buồn”.

Nguyên nhân sự biến đổi trong nền kinh tế Hàn Quốc trong thời gian qua là do vấn đề nhu cầu trong nước và chính sách. Tốc độ đầu tư và hồi phục tiêu dùng rất chậm. Mặc dù chính phủ đang tích cực tập trung vào biện pháp kích thích tiêu dùng, nhưng sự cố chìm phà Sewol đã làm nguội lạnh nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong những ngày này, sân bay, khách sạn, những cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng ăn uống lượng người giảm đi đáng kể. Hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc Hanatour cũng phải giảm các tour du lịch, lượng khách sử dụng card cá nhân của các công ty Credit card chỉ trong vòng hai tuần nay cũng giảm 4,4%.  

Trong khi có nhiều người dân chỉ trích trách nhiệm của chính phủ đối với vụ chìm phà Sewol, thì một nguyên nhân mà khiến nền kinh tế Hàn Quốc lao đao là vấn đề chính sách. Nhiều người cho rằng Hàn Quốc đang “bế tắc” trong chính sách làm thế nào để kinh tế Hàn Quốc hồi phục.

Chính phủ Hàn Quốc không phải không có những hành động cụ thể trong vấn đề này. Chỉ trong đầu tháng 4, hàng loạt các Hội nghị về kinh tế được triển khai, đưa ra được một số quyết định quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ này.

Khủng hoảng sẽ không kéo dài

Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho rằng, do tình hình nhu cầu trong nước và đầu tư chưa hồi phục, việc tăng đầu tư tài chính và sử dụng linh hoạt kỹ năng chính sách tài chính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cần phải được quan tâm hơn.

Kế hoạch 3 năm cải cách kinh tế được thông qua vào đầu năm 2014 hiện đang được thực hiện, tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2014, kế hoạch có dấu hiệu “giậm chân tại chỗ”.

Theo đó, giới chính trị Hàn Quốc yêu cầu cải cách cơ cấu nội các, bởi họ cho rằng những rủi ro do chính sách mang lại ngày càng lớn.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đệ đơn từ chức ngày 27/4(Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Hội tiền tệ học châu Á Hàn Quốc, ông O Jong-gun chỉ trích trách nhiệm quản lý theo kiểu “quan liêu mafia” của chính phủ Hàn Quốc và cho rằng không thể không cải tổ Nội các.

Ông O Jong-gun nhấn mạnh: “Cải tổ Nội các muộn thì chính sách cũng sẽ muộn, chính sách muộn thì kinh tế hồi phục sẽ muộn”.

Nhiều nhà chuyên gia kinh tế khác của Hàn Quốc cho rằng trong vòng những tháng tới, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ có ảnh hưởng do tăng trưởng âm. Mặc dù công tác tìm kiếm cứu nạn của chiếc phà chìm Sewol đang trong giai đoạn kết thúc, song cần thiết phải lắng nghe lòng dân chúng để đưa ra những chính sách phù hợp.

Vụ chìm phà Sewol gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Hàn Quốc không phải tiền lệ. Vụ khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Tòa tháp đôi của Mỹ cũng làm cho nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm 0,4% khoảng 7-9 tháng. Đặc biệt, thiệt hại trực tiếp đối với thành phố New York tại thời điểm đó là gần 100 tỷ USD.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu, hơn 10 năm qua nền kinh tế Mỹ đã phải gánh chịu mức chi phí lớn do vụ khủng bố dao động từ 2.300-2.800 tỷ USD. Bên cạnh đó, hậu quả đới với nền kinh tế thế giới với con số còn lớn hơn nhiều.

Vụ thảm họa sóng thần kép tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 cũng kéo nền kinh tế Nhật tăng trưởng âm 0,3% trong vòng 4-6 tháng. Ngoài con số gần 20.000 thiệt mạng, cho đến nay, mặc dù hơn 3 năm đã trôi qua, Nhật Bản vẫn còn đang trong thời kỳ tái thiết sau thảm họa. Nền kinh tế Nhật Bản vốn đã trì trệ lại càng thêm khó khăn.

Giáo sư Khoa kinh tế học Đại học Hàn Quốc Yu Che-wong đưa ra ý kiến rằng sau sự cố chìm phà Sewol, Hàn Quốc cần tập trung vào việc tiến hành đầu tư hướng vào khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế. Sự ảnh hưởng của sự cố này đối với nền kinh tế Hàn Quốc sẽ không lâu dài mà chỉ trong thời gian nào đó”.

Theo các nhà phân tích kinh tế Hàn Quốc, sự ảnh hưởng của một sự cố lớn như vụ chìm phà Sewol đối với nền kinh tế là không tránh khỏi, nhưng sự ảnh hưởng này sẽ không kéo dài quá mức. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đối với tâm lý người Hàn Quốc sẽ là lâu dài, tác động trực tiếp tới thị trường tiêu dùng của nước này./.