Yonhap dẫn lời Lực lượng phản ứng khẩn cấp của Hàn Quốc cho biết họ đã huy động số lượng lớn nhất các binh sỹ thuộc các lượng lượng Tuần duyên và Hải quân và thợ lặn với các trang thiết bị hiện đại nhất để tìm kiếm những người còn kẹt lại bên trong phà Sewol.

“Một nhóm gồm 88 thợ lặn đã được đưa xuống nước để tham gia tìm kiếm”,Koh Myung-suk, một quan chức cao cấp của Lượng lượng Tuần duyên Hàn Quốc tuyên bố tại cuộc họp báo và nói thêm rằng việc tìm kiếm sẽ tập trung vào tầng 3 và 4 của chiếc phà.

diver_copy.jpg
Một thợ lặn nhảy xuống nước để tìm kiếm những người bị kẹt trên phà Sewol (Ảnh AP)

Ông Koh cũng cho biết 30 sỹ quan của Lực lượng tuần duyên, 12 lính cứu hoả và 32 sỹ quan Hải quân cùng khoảng gần 30 chuyên gia tìm kiếm dân sự sẽ tham gia tìm kiếm tại các khu vực khác trên chiếc phà này.

Các thợ lặn sử dụng thiết bị lặn cung cấp dưỡng khí từ trên mặt nước. Những thợ lặn dân sự cũng được huy động tham gia vào việc tìm kiếm để đẩy nhanh quá trình này, ông Koh nói.

Thiết bị lặn cung cấp dưỡng khí từ trên mặt nước sẽ liên tục cấp khí cho thợ lặn qua một chiếc vòi dài và điều này cho phép các thợ lặn ở dưới nước lâu hơn các thợ lặn mang bình khí thông thường.

Cho đến nay, các nhóm tìm kiếm vẫn không tìm thấy thêm người nào sống sót kể từ khi họ cứu được 174 người trên phà.

Trong khi đó, tàu cứu hộ USNS của Hạm đội Hải quân số 7 của Mỹ đã cập cảng phía Tây Nam Hàn Quốc vào lúc 3h sáng 26/4 (giờ địa phương).

Chiếc tàu cứu hộ này được điều động đến đây nhằm dự phòng cho việc hỗ trợ tìm kiếm, ông Koh cho biết và nói thêm rằng hiện vẫn chưa có kế hoạch để chiếc tàu này của Mỹ tham gia hoạt động tìm kiếm.

Ngoài ra, rất nhiều các thợ lặn dân sự- bao gồm cả ông Lee Jong-in, một chuyên gia cứu hộ dưới nước và là người đứng đầu công ty Cứu hộ Alpha Sea, cũng đang ở trên bờ sẵn sàng tiếp sức cho các nhóm thợ lặn đang tham gia tìm kiếm, ông Koh nói.

Trước đó, năm 2010, ông Lee đã tham gia vào các chiến dịch tìm kiếm những người trên các tàu bị nạn ví dụ như chiếc tàu chiến Cheonan năm 2010.

Ông Lee là một chuyên gia trong việc sử dụng chuông lặn-một thiết bị lặn buồng kín được dùng để đưa thợ lặn xuống sâu dưới nước và giúp họ ở dưới nước lâu hơn.

“Việc quyết định có đưa ông Lee tham gia chiến dịch tìm kiếm hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của các thân nhân những người bị nạn trên phà”, ông Koh tuyên bố.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố rằng Bộ trưởng Đại dương và Nghề cá Lee Ju-young và người đứng đầu Lực lượng Tuần duyên Hàn Quốc Kim Suk-kyoon sẽ trực tiếp điều hành các chiến dịch tìm kiếm cứu nạn./.