Các nhóm vũ trang Hồi giáo của Palestine vốn có truyền thống phát động chiến tranh để đánh bại Israel từ bên ngoài. Tuy nhiên gần đây phong trào Hamas đã áp dụng chiến lược mới với sự chuyển dịch mục tiêu từ bên ngoài vào bên trong. Chiến lược này bao gồm gây áp lực trong nước và quốc tế để thay đổi khung cảnh chính trị bên trong Israel. Chiến lược mới này dựa vào việc chủ động gia tăng quy mô các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Palestine. Bằng việc khai thác các đăng tải trên mạng xã hội Twitter và cập nhật tình hình trên truyền thông xã hội để phá hoại hình ảnh về Israel, tổ chức Hồi giáo Hamas đang cố gắng thay đổi câu chuyện đằng sau xung đột Israel-Palestine đặng hướng tới chiến thắng cho phe họ.
Nhóm Hamas sở hữu lực lượng nhỏ, ít nguồn lực, và ít đồng minh. Do vậy, họ thừa hiểu các hoạt động quân sự của họ chẳng đi tới đâu, chỉ là lấy trứng chọi với đá. Trong một thế kỷ vừa qua, liên minh các nước Arab đã nhiều lần lâm chiến với ý đồ đè bẹp nhà nước Israel và “giải phóng” vùng đất Palestine nhưng tất cả các nỗ lực này đều vô hiệu. Đã vậy, quân đội Israel tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những đội quân mạnh nhất thế giới, và trong thời gian qua, Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước Arab.
Khai thác điểm yếu của Israel, tận dụng mạng xã hội để công kích đối thủ
Tuy nhiên loạt phóng rocket của Hamas nhằm vào Israel vào tháng 5/2021 đã cho thấy Israel vẫn có những điểm yếu nhất định. Thứ nhất, hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đã không thể chặn được một số quả tên lửa của Hamas. Thứ hai, khi Israel tiến hành trả đũa Hamas thì lập tức Israel bị lên án là vi phạm nhân quyền. Người Palestine nhân đó nhận được thêm sự ủng hộ của quốc tế trong việc công nhận nhà nước Palestine. Các phương tiện truyền thông hiện đại đã tạo điều kiện để Palestine lan tỏa thông điệp của mình và gây ảnh hưởng với thế giới bên ngoài.
Hiện nay các đoạn “tweet” trên mạng Twitter có tầm vươn toàn cầu còn mạnh hơn nhiều tờ báo nổi tiếng, nhờ đó Hamas có thêm công cụ hữu hiệu để tác động tới cách nhìn nhận của thế giới. Hiện trên toàn cầu có tới 1,5 tỷ người Hồi giáo, mà đa số trong số này có cảm tình với Palestine.
Lấy thí dụ, vừa qua Hamas đã gia tăng cuộc tấn công bằng rocket vào đúng ngày 10/5 – đây là ngày Jerusalem của Israel, ngày này kỷ niệm việc thống nhất Jerusalem và việc thiết lập sự kiểm soát của Israel đối với thành phố này. Bằng việc quảng bá câu chuyện các tổ chức Palestine tấn công Israel chỉ vì chính quyền Israel tấn công họ, phía Palestine có khả năng thuyết phục bộ phận đáng kể người Israel lựa chọn một chính quyền thân thiện với giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên để đạt được điều này, người ta phải chấp nhận một cái giá nhất định. Trong chưa đầy 5 phút, Hamas đã phóng 137 quả rocket vào thành phố Ashkelon của Israel, số lượng rocket như thế này là nhiều hơn cả lượng rocket bắn vào Israel trong cả năm 2020. Ý đồ trước tiên của Hamas khi làm vậy là để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel. Các ước tính cho thấy chỉ trong 10 ngày (tính từ hôm 10/5/2021), các tổ chức vũ trang của Palestine đã bắn khoảng 5.000 trái rocket vào Israel – tương đương với số rocket mà phía Palestine đã phóng vào lãnh thổ Israel trong 10 năm qua.
>> Xem thêm: Tổng thiệt hại do Hamas gây ra cho Israel trong 8 ngày xung đột
Tấn công diện rộng và tấn công cơ sở hạ tầng trọng yếu
Chiến lược mới của Hamas dựa vào quy mô hành động. Phóng lượng lớn rocket cùng một lúc sẽ khiến hệ thống phòng không của Israel bị áp đảo, nên một số tên lửa của Palestine vẫn đánh trúng mục tiêu. Ở đây chiến lược mới của Hamas là nhằm giành niềm tin chứ không phải chiến thắng quân sự trên thực địa trước Israel. Việc lọt qua được hệ thống Vòm Sắt nổi tiếng thế giới sẽ tạo ra cảm giác rằng Israel vẫn có điểm yếu dễ bị tấn công, dù Palestine hiểu rằng họ không có cơ đánh bại Israel về mặt quân sự.
Ngay trong trường hợp hầu hết rocket của Hamas đánh trúng mục tiêu thì người Palestine vẫn chưa thể “giải phóng” nổi một thị trấn nào. Vì Palestine thiếu năng lực đối diện trực tiếp với quân đội Israel, chưa nói đến chuyện giữ được đất. Do vậy Hamas xoáy vào tác động lên nhận thức hơn là thay đổi thực tế trên thực địa.
Ngoài ra, Hamas cũng đã chuyển hướng mục tiêu từ các mục tiêu nhỏ như xe quân sự sang các mục tiêu cơ sở hạ tầng trọng yếu như là các đường ống dầu khí. Hamas đã bắn rocket về phía các cơ sở khí gas của Israel ở Địa Trung Hải kể từ đợt xung đột vũ trang mới bắt đầu. Lưu ý rằng Israel phụ thuộc nhiều vào Địa Trung Hải – hơn 90% lượng hàng nhập khẩu của Israel là đi qua ngả này. Lực lượng hải quân của Hamas cũng tích cực tham gia quấy nhiễu các cơ sở của Israel tại Địa Trung Hải.
Trên thực tế, hình ảnh các quả rocket rơi xuống Jerusalem và Tel Aviv (thành phố đầu não của Israel) đã thay đổi cách nhìn nhận của Israel về an ninh của họ. Bộ trưởng quốc phòng của Israel còn tuyên bố rằng nếu người dân Israel rơi vào tình trạng không có nơi để ngủ thì họ sẽ san phẳng dải Gaza. Như vậy chiến lược của Hamas đã đạt được một số mục tiêu nhất định.
Kết hợp đòn quân sự với mục tiêu gây rối nền chính trị Israel
Nền chính trị Israel thời gian qua đã trải qua nhiều điều bất định. Không chính đảng nào của Israel giành được đủ số ghế trong các cuộc bầu cử gần đây và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sa lầy trong nỗ lực lập chính phủ mới. Ông Netanyhu đã đạt được nhiều thành tích có giá trị đối với Israel, như thiết lập quan hệ với các nước Arab dòng Sunni vừa mạnh vừa nổi bật; tuy nhiên, ông này vẫn chưa đạt được sự ủng hộ của đa số trong nội bộ Israel.
Bằng việc phóng lượng lớn rocket chưa từng có tiền lệ, người Palestine đã gây ra sự sụp đổ của một liên minh giữa các đảng đối lập của Israel, trong đó có một đảng của người Arab. Trong bối cảnh bất định hiện này, triển vọng về một chính phủ nữa được thành lập là điều mong manh. Việc phân chia nhà nước Israel theo các tộc người sẽ chỉ khiến Israel bị thụt lùi, và cũng khiến liên minh giữa cánh tả và cánh hữu trở thành gần như bất khả thi. Như vậy, chỉ với nguồn lực tương đối nhỏ (như các trái rocket giá rẻ), Hamas đã có thể tác động vào chính trị nội bộ của Israel.
Viễn cảnh Israel phải tổ chức một cuộc bầu cử nữa là có thực. Các căng thẳng Israel-Palestine gần đây sẽ khiến cho chủ đề an ninh thống trị chương trình nghị sự của bầu cử, và có thể khiến cử tri muốn có quan hệ hữu nghị với Palestine để tránh những chuyện mệt mỏi vừa qua. Về dài hạn, các lực lượng cánh tả hoặc trung dung có thể được cử tri Israel lựa chọn. Đây cũng được xem là chiến thắng cho Hamas và Palestine.
Hiện đã nổ ra các cuộc biểu tình chống Israel ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước láng giềng Lebanon và Jordan. Có khả năng cao các nhóm thân Iran ở các nước này sẽ can thiệp để “cứu” Jerusalem. Do vậy giới hoạch định chính sách Israel sẽ rơi vào thế khó. Việc Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Arab Hồi giáo dòng Sunni đã không khiến các tổ chức vũ trang của Palestine tự tiêu vong, với bằng chứng là loạt tấn công vừa qua của Hamas. Giải pháp hai nhà nước có lẽ vẫn là giải pháp dễ nhận thấy nhất và được cộng đồng quốc tế ủng hộ./.