Hạ viện Anh vừa thông qua thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit vào ngày 31/1 tới. Kết quả này cũng giúp khép lại một trang hỗn loạn trong lịch sử nước Anh, khi sự đồng thuận chính trị trở nên hiếm hoi và sự chia rẽ nội bộ lại ngày một sâu sắc.

brexit_czav.jpg
Hạ viện Anh vừa thông qua thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit vào ngày 31/1 tới. Ảnh: Reuters

Với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua thỏa thuận dài 535 trang của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo Bộ trưởng Brexit Steve Barclay, văn kiện sẽ đảm bảo việc Anh rời Liên minh châu Âu với một thỏa thuận, khiến các doanh nghiệp yên tâm, bảo vệ các quyền của công dân và đảm bảo nước Anh sẽ khôi phục quyền kiểm soát đối với đồng nội tệ, đối với các đường biên giới, luật pháp và chính sách thương mại của mình.

“Đã đến lúc hoàn thành Brexit. Thỏa thuận chia tay mà Thủ tướng đàm phán được với Liên minh châu Âu sẽ giúp chúng ta thực hiện mục tiêu này”, ông Barclay nói.

Dù kết quả được dự báo trước, song đây vẫn được xem là một chiến thắng có ý nghĩa biểu tượng cao đối với nhà lãnh đạo Anh. Bởi cũng chính hồ sơ này từng khiến người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Theresa May bị mất chức khi 3 lần liên tiếp bị Hạ viện bác bỏ. Việc thông qua tại Thượng viện Anh và sau đó là Nghị viện châu Âu chỉ còn mang tính thủ tục. Và 23h ngày 31/1 tới (theo giờ London) sẽ đánh dấu thời khắc lịch sử. Nước Anh sẽ trở thành nước đầu tiên rời Liên minh châu Âu. Theo Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic, nước vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, nước này đã sẵn sàng để hoàn tất những thủ thục pháp lý cần thiết cho Brexit trước cuối tháng này.

“Khẩu hiệu của chúng tôi là một châu Âu mạnh mẽ trong thế giới đầy thách thức. Điều gì làm cho châu Âu trở nên mạnh mẽ, đó là những giá trị chúng ta chia sẻ, những mục tiêu chúng ta muốn đạt được. Đó cũng nhận thức chung rằng, chúng ta phải đoàn kết hơn, mạnh mẽ hơn và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với bất kỳ thách thức hiện đại nào", Thủ tướng Andrej Plenkovic.

Thỏa thuận Brexit mà nhà lãnh đạo Anh đàm phán được với Ủy ban châu Âu đặc biệt xác định một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020 để tránh một sự chia tay đột ngột. Tuy nhiên, thời hạn này cũng đồng nghĩa với thách thức khi bị đánh giá là quá ngắn ngủi. Anh và Liên minh châu Âu sẽ chỉ có vẻn vẹn 11 tháng để đàm phán về các thỏa thuận tự do thương mại hay an ninh, những vấn đề thường  phải mất tới nhiều năm để giải quyết.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các cuộc thảo luận sẽ khó khăn và các bên khó có thể nhất trí về tất cả các vấn đề nếu không gia hạn đàm phán. Bà Ursula von der Leyen khẳng định Ủy ban châu Âu vẫn rất kiên quyết với các nguyên tắc: Nếu không đạt được một sự cạnh tranh công bằng về môi trường, việc làm, thuế quan và trợ cấp nhà nước, thì Anh sẽ không thể tiếp cận ở mức cao nhất và tốt nhất đối với thị trường chung lớn nhất thế giới.

“Trước cuối tháng này, tôi hy vọng cả Nghị viện Anh và Nghị viện châu Âu đều sẽ phê chuẩn thỏa thuận. Và như vậy nước Anh sẽ chỉ còn  hơn 3 tuần cuối cùng với tư cách là một quốc gia thành viên. Đây sẽ là một ngày khó khăn và nhiều cảm xúc. Nhưng khi ngày mới bắt đầu vào ngày 1/2, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh vẫn sẽ là những người bạn và đối tác tốt nhất”, bà Ursula von der Leyen nói.

Chia sẻ quan điểm này, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu Michel Barnier hôm qua (9/1) cảnh báo, Anh là một nước thành viên của Liên minh châu Âu tham gia 600 thỏa thuận quốc tế. Các thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay khi giai đoạn chuyển tiếp cho Brexit hết hạn. Do đó thời gian đàm phán là rất ngắn. Hiện ông Barnier đang có chuyến công du các quốc gia thành viên EU để lắng nghe mối quan tâm của các nước này trước khi diễn ra các cuộc đàm phán mới với Anh./.