Chi tiết tiến trình luật hoá các thủ tục để đưa nước Anh rời khỏi EU sẽ được Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố hôm 19/12 trong bài “Diễn văn Nữ hoàng” đánh dấu việc Hạ viện Anh chính thức bắt đầu kỳ họp mới.

brexit_anh_roi_eu_lvse.jpg
Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: Financial Times.

Nữ hoàng Anh Elisabeth đệ Nhị sẽ chính thức đọc bài diễn văn trong chiều 19/12 (theo giờ London) trước Hạ viện Anh, một thủ tục lễ tân truyền thống để mở màn một kỳ họp mới của Nghị viện nước này. Bài diễn văn của Nữ hoàng trên thực tế chính là chương trình hành động mà chính phủ nước này đặt ra nhằm luật hoá các chính sách dự định tiến hành và Nữ hoàng Anh chỉ thay mặt công bố.

Trọng tâm trong bài "Diễn văn Nữ hoàng" lần này sẽ là chi tiết về việc luật hoá các thủ tục để thực thi Brexit, tức đưa nước Anh rời khỏi EU.

Theo hứa hẹn của Thủ tướng Anh Boris Johnson, chính phủ nước này sẽ tiến hành nhanh nhất mọi trình tự liên quan đến Brexit để các nghị sĩ Anh có thể bắt đầu thảo luận về thoả thuận Brexit ngay trong tuần này và có thể trong cả dịp lễ Giáng sinh.

Bên cạnh các chi tiết về thoả thuận Brexit, nhiều khả năng chính phủ của ông Johnson cũng sẽ trình cả dự luật về việc không gia hạn thời gian quá độ trong EU khi thời hạn này kết thúc vào ngày 31/12/2020, bất chấp việc Anh và EU có ký được thoả thuận về quan hệ tương lai trong năm 2020 hay không.

Ngoài chủ đề về Brexit và quan hệ với EU, một ưu tiên khác cũng sẽ được Thủ tướng Anh nêu ra trong bài “Diễn văn Nữ hoàng” là việc tăng thêm đầu tư cho hệ thống y tế quốc gia (NHS), với số tiền ước tính là khoảng 33,9 tỷ bảng Anh mỗi năm trong giai đoạn 2023-2024.

Hiện tại, sau thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử ngày 12/12 khi đảng Bảo thủ chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có rất nhiều thuận lợi trong việc thực thi các lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt là việc giải quyết sớm và dứt điểm tiến trình Brexit./.