Một khi hoàn tất việc phê chuẩn thỏa thuận “chia tay” từ nay đến ngày 31/1/2020, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngay lập tức mở các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai. Tuy nhiên, bước cuối cùng trong tiến trình Brexit lại đang làm dấy lên nhiều hoài nghi và được dự báo sẽ ẩn chứa nhiều bất ngờ. Thậm chí, nỗi lo về kịch bản “Brexit không thỏa thuận” lại một lần nữa phủ bóng cả Brussels và London.
(Ảnh: investtrends). |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Layen hôm 18/12 khẳng định, kịch bản không thỏa thuận với Anh sẽ có tác động tiêu cực không chỉ với Liên minh châu Âu, mà cả với nước Anh. Theo bà, nếu không thể đạt được thỏa thuận về mối quan hệ tương lai từ nay đến cuối năm 2020, hai bên sẽ một lần nữa đứng trước tình huống khó khăn.
“Trong trường hợp Anh và Liên minh châu Âu không thể ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2020, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với một tình huống khó khăn. Điều này tất nhiên sẽ gây tổn hại tới Liên minh châu Âu, song với nước Anh sẽ lớn hơn. Bởi trong trường hợp này, Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường duy nhất và những thỏa thuận ký với các nước đối tác. Trong khi Anh thì ngược lại”.
Nếu theo đúng lịch trình, Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu vào ngày 31/1/2020 và sau đó sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp nhằm tránh một sự chia tay đột ngột. Trong thời gian này, Anh vẫn phải tiếp tục tuân thủ những quy định của Liên minh châu Âu, đồng thời với các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai. Toàn bộ tiến trình phải kết thúc vào ngày 31/12/2020. Nếu muốn gia hạn giai đoạn chuyển tiếp, Anh sẽ phải đưa ra yêu cầu trước ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên Thủ tướng Boris Johnson, với chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hôm 12/12 đã tuyên bố sẽ ngăn chặn bất kỳ sự gia hạn nào nữa. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bên sẽ chỉ có 11 tháng để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ.
Liên minh châu Âu và Canada từng phải mất đến 7 năm đàm phán để đạt được Hiệp định thương mại tự do. Đây là chưa kể các bên vẫn chưa hoàn thành mọi vấn đề về thuế quan và hạn ngạch đối với một số sản phẩm, trong đó có thịt bò. Thỏa thuận thương mại với Nhật Bản vừa có hiệu lực trong năm nay cũng phải mất tới 4 năm hay Hàn Quốc là 2 năm rưỡi. Khó khăn trong việc hoàn thành các cuộc đàm phán kịp thời hạn đã làm gia tăng nguy cơ một Brexit không thỏa thuận.
Chuyên gia phân tích Russell Foster của Anh nhận định: “Anh, cũng giống như Đức và Pháp, đều là những quốc gia hậu công nghiệp, nơi nền kinh tế dịch vụ chiếm ưu thế. Vì thế, Thủ tướng Boris Johnson có thể đạt được một số yếu tố của thỏa thuận thương mại từ nay đến Giáng sinh năm sau. Tuy nhiên nếu nhìn vào việc Liên minh châu Âu mất bao lâu để ký thỏa thuận với Canada hay Nhật Bản, thì có thể thấy chúng ta cần bao lâu để đạt được thỏa thuận”.
Theo các nhà phân tích, dường như nước Anh đã lựa chọn đi theo mô hình quan hệ dựa trên một thỏa thuận tự do thương mại không có thuế quan, không có hạn ngạch. Cả cựu Thủ tướng Theresa May và sau đó là Thủ tướng Boris Johnson hiện nay đều nhất quán với quan điểm nói “không” với việc tiếp tục ở lại thị trường chung như Na Uy hay Liên minh hải quan như Thổ Nhĩ Kỳ.
Bởi theo các nhà lãnh đạo này, chỉ có như thế, các tập đoàn công nghiệp và thương mại của Anh mới không phải chịu sự ràng buộc của vô số các tiêu chuẩn cộng đồng trong thị trường duy nhất. Tuy nhiên, đối với Liên minh châu Âu, một hệ thống như vậy là lỏng lẻo và có nguy cơ dẫn tới các hình thức cạnh tranh khó lường.
Nhiều ý kiến tại châu Âu nhận định, để tránh rơi vào "bẫy quan hệ tương lai” do sức ép về thời gian, châu Âu chắc chắn sẽ buộc Anh phải đưa ra những đảm bảo về cạnh tranh, về hỗ trợ Nhà nước và các tiêu chuẩn xã hội, thuế quan, cũng như môi trường nhằm đối lấy một sự tiếp cận rộng rãi với thị trường châu Âu. Đây cũng là lý do khiến bước cuối cùng trong tiến trình Brexit được dự báo sẽ ẩn chứa nhiều bất ngờ./.