Tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ đưa ra sau khi xảy ra vụ thảm sát tại Las Vegas làm 59 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, tiếp tục làm nóng lên vấn đề kiểm soát súng đạn, vốn được tranh luận tại Mỹ nhiều năm qua.

trump_lcdy.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Có quá nhiều tội ác liên quan đến súng đạn ở Mỹ khi người dân không quá khó để có thể sở hữu một khẩu súng. Các câu hỏi về vấn đề sở hữu, sử dụng súng hay quản lí súng thế nào luôn được đặt ra mỗi khi tại Mỹ xảy ra các vụ bạo lực liên quan đến súng đạn. Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại Las Vegas tiếp tục làm nóng vấn đề này, không chỉ trong dư luận mà cả chính trường nước Mỹ.

Một số nghị sĩ đảng Dân chủ hôm qua (3/10) lên tiếng chỉ trích Quốc hội vẫn không có động thái nào sau những vụ xả súng liên tiếp tại Mỹ và cáo buộc những nhà vận động hành lang cho quyền sở hữu súng đạn đang hưởng lợi từ những vụ việc đau lòng này.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Christopher Murphy cho rằng: “Mỹ là nước có qui định về luật súng đạn lỏng lẻo nhất, cho phép những người nguy hiểm sở hữu các loại vũ khí. Đây là điều không thể chấp nhận được khi chúng ta thức dậy với một cuộc xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử mà chúng ta vẫn chứng kiến sự im lặng từ Quốc hội”.

Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng như Lady Gaga, Julianne Moore, Taylor Swift... cùng nhiều ngôi sao khác hôm qua gửi lời cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số. Đồng thời, họ kêu gọi thắt chặt luật kiểm soát súng.

Hiện dư luận tập trung vào các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với hi vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ có các bước đi nhằm ngăn chặn các thảm kịch tương tự.

Trở về từ chuyến thị sát tình hình thiệt hại thiên tai ở Puerto Rico, khi được hỏi về việc liệu khi nào sẽ diễn ra cuộc tranh luận về kiểm soát súng, ông Donald Trump tuyên bố: “Có lẽ điều đó sẽ đến, nhưng không phải lúc này”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng cho biết, hiện “vẫn chưa phải lúc” để khơi lại cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn tại Mỹ mà cần tập trung đoàn kết đất nước.

Tuy nhiên, quan chức này vẫn để ngỏ khả năng thảo luận về vấn đề kiểm soát súng đạn "trong những ngày tới", đồng thời nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Donald Trump mong muốn xây dựng được các quy định có thể thực sự ngăn chặn các vụ bạo lực súng đạn.  

Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng cho rằng, còn quá sớm để nói về vấn đề bạo lực súng đạn. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch Macconnell nhấn mạnh: “Tôi nghĩ thực sự không thích hợp để chính trị hóa một sự kiện như thế này. Vụ xả súng chỉ mới xảy ra, và còn quá sớm để thảo luận về bất cứ giải pháp pháp lí nào”.

Những phản ứng tức thì sau thảm kịch Las Vegas cho thấy, ngoài những lời chia buồn, cầu nguyện, có thể sẽ không tạo ra nhiều thay đổi đối với việc kiểm soát súng đạn, vốn là vấn đề cố hữu mà nước Mỹ phải đối mặt bấy lâu nay. Hai năm trước đây, khi còn là một tỉ phú bất động sản, ông Donald Trump từng khẳng định, không có một giải pháp nào đối với việc kiểm soát súng.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống trong năm 2016, ông Donald Trump cũng nhận được sự ủng hộ lớn từ Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA) và Tổ chức này tuyên bố sẽ tiếp tục là hậu thuẫn quan trọng cho ông Donald Trump trong những năm cầm quyền tiếp theo ở Nhà Trắng.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là, cứ sau mỗi vụ xả súng, các nhà sản xuất súng lại kiếm được hàng triệu USD từ giá cổ phiếu tăng. Sau vụ xả súng ở Las Vegas, cổ phiếu của ba công ty sản xuất súng tại Mỹ lên đều và tiếp tục đứng ở mức khả quan. Theo truyền thông Mỹ, khi mọi người sợ hãi, họ sẽ tìm cách để mua súng phòng thân./.