Năm 2006 để lại dấu ấn về một châu Âu không còn an toàn do làn sóng khủng bố, xu hướng dân tuý và chuyên quyền gia tăng cùng sự xói mòn về các giá trị dân chủ truyền thống. Theo dự đoán, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thử thách đối với châu Âu.

brexit_kflc.jpg
Ảnh minh họa.

Dưới đây là những sự kiện lớn sẽ có chi phối tình hình kinh tế và chính trị Tây Âu trong năm 2017:

Tháng Một

Đầu tháng này, Toà án Tối cao tại London phán quyết liệu Nghị viện Anh có phải tham gia vào tiến trình rời EU và với mức độ nào. Điều này quyết định đến phạm vi tự do đàm phán được trao cho Thủ tướng Anh Theresa May.

Vào ngày 20/1, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức. Những hoài nghi được đặt ra về việc ông Trump và nội các gồm nhiều tỉ phú của mình sẽ làm gì để tiếp tục các hoạt động chính trị thế giới. Giới phê bình lo ngại rằng việc thiếu kinh nghiệm chính trường và xu hướng "hay làm rùm beng mọi chuyện” của vị tân Tổng thống này sẽ gây ra những vấn đề về an ninh toàn cầu. Chỉ có những người ủng hộ ông Trump mong chờ những điều bất ngờ tốt đẹp.

Tháng 2

Các vị nguyên thủ 27 quốc gia EU sẽ nhóm họp trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt được tổ chức tại Malta để thảo luận về tương lai châu Âu hậu Brexit. Cho đến nay, sự hào hứng, nhiệt tình và những ý tưởng mới là những điều còn thiếu vắng. Tình hình hiện nay không thay đổi, ngoại trừ mối lo ngại về sự tan rã của EU có thể buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel phải ra tay tháo gỡ tình hình. Song ở thời điểm hiện tại, bà Merkel không còn nhiều đồng minh bởi các nhà lãnh đạo Hà Lan, Italy và Pháp đều sắp mãn nhiệm.

Tháng 3

Vào trung tuần tháng 3, Hà Lan sẽ tiến hành bầu cử nghị viện. Các cuộc khảo sát cho thấy, Đảng Tự do theo chủ nghĩa dân tuý và hoài nghi châu Âu của ông Geert Wilders có thể trở thành một trong những phe phái chính trị mạnh nhất tại Hà Lan. Ông Wilders đã nhiều năm vận động chống người Hồi giáo, người nhập cư và EU. Thần tượng của chính trị gia người Hà Lan này là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, thậm chí nếu ông Winders giành 25% số phiếu ủng hộ, thì ông ta vẫn cần các đối tác khác để lãnh đạo một liên minh trong một nghị viện vốn chia rẽ. Trong mọi trường hợp, việc lập nội các sẽ là một nhiệm vụ khó khăn sau cuộc bầu cử này.

Vào ngày 25/3 tại thủ đô Rome (Italy) sẽ diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ 60 các hiệp ước sáng lập châu Âu. Thường thì ngày này sẽ chuyển tải một thông điệp về niềm tin và hy vọng song hiện nay người châu Âu chưa biết dựa vào đâu để lạc quan.

Cùng vào khoảng thời gian này, nữ Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt Điều 50 để bắt đầu tiến trình đàm phán về rút lui khỏi EU. Brexit có thể là một cuộc trắc nghiệm hóc búa nhất quyết định đến sự tồn tại của EU. Tuy nhiên, thực tế đang chứng mình rằng những người ủng hộ Brexit đã đánh giá quá thấp những hệ luỵ và khó khăn của cuộc thoái lui này. 27 nước thành viên EU còn lại đã chính thức đề ra các quy định về tiến trình Anh rời EU. Liệu các cuộc đàm phán này có thể hoàn tất trong một năm rưỡi nữa vẫn là một câu hỏi lớn. Một số ý kiến cho rằng tiến trình Brexit sẽ sa lầy ở khâu hành chính và pháp lý.

Tháng 4

Cuối tháng 4, các cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu bầu ra Tổng thống mới. Vòng bầu cử Tổng thống Pháp đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 23/4. Hiện tại, đại diện Đảng Cộng hoà bảo thủ Francois Fillon và ông Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc theo chủ nghĩa dân tuý cánh hữu, được đánh giá là hai ứng cử viên sáng giá nhất. Cựu Bộ trưởng Pháp Emmanuel Macron, ứng cử viên Đảng Xã hội ra tranh cử độc lập, theo dự đoán sẽ khó thể giành được phiếu ủng hộ của Mặt trận Dân tộc. Hai người chiến thắng ở vòng đầu tiên sẽ tiến hành vận động tranh cử cho cuộc bỏ phiếu lần hai sẽ diễn ra vào hai tuần sau đó để xác định ra người chiến thắng cuối cùng.

Tháng 5

Vòng bầu cử thứ hai mang tính chất quyết định trong cuộc tuyển cử tại Pháp sẽ diễn ra vào ngày 7/5. Theo dự đoán, ứng viên Đảng Cộng hòa sẽ giành chiến thắng trước chính trị gia theo chủ nghĩa dân tuý cánh hữu Le Pen. Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon là người bảo vệ các giá trị xã hội bảo thủ, chủ nghĩa yêu nước và đề cao khái niệm gia đình truyền thống. Song người châu Âu vẫn e ngại vì ông Fillon ngưỡng mộ Tổng thống Nga Putin. Cam kết tiến hành các cuộc cải cách như cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cũng có thể là điểm bất lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Fillon. Nếu người Pháp quyết định bỏ phiếu cho ông Marine Le Pen và chọn chủ nghĩa dân tuý cánh hữu, điều đó có thể đồng nghĩa với sự chấm dứt EU. Bởi, liên minh này khó thể tồn tại nếu nước lớn thứ hai trong EU và là đối tác lịch sử của Đức rút lui.

Tháng 6

Các cuộc bầu cử mới có thể diễn ra tại Italy, khi Thủ tướng Ý Matteo Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 12/2016 và kể từ đó đến nay nước Italy đang nằm dưới sự lãnh đạo của một nội các lâm thời. Vào cuối năm ngoái, Phong trào "Năm Sao” của danh hài Beppe Grilo dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến. Đảng này không có kinh nghiệm lãnh đạo, hoài nghi về châu Âu và tin vào dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, trong phong trào này có nhiều vụ bê bối tham nhũng và đến hè người dân Italy có thể thay đổi chính kiến của mình. Cuộc khủng hoảng nợ và sự bất ổn chính trị tại Italy tiếp tục là những mối đe doạ đối với khu vực đồng euro.

Tháng 9

Nước Đức sẽ bầu ra nghị viện mới. Hiện nay, cuộc bầu cử này có chiều hướng sẽ dẫn đến kết quả về một liên minh dưới sự nắm quyền của nữ Thủ tướng Merkel. Có ít khả năng Đảng dân tuý cánh hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) sẽ đóng một vai trò quan trọng. Nhiều người châu Âu và phương Tây hiện coi bà Merkel như là vị cứu tinh cho châu Âu và thậm chí và người bảo vệ các giá trị của phương Tây. Người ta hy vọng rằng vào khả năng "cầm lái” vững vàng của bà Merkel trong một thế giới đầy bất ổn. Song kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc phần nhiều vào sự ổn định kinh tế và dân chủ và kinh tế Đức.

Nhiều người châu Âu đặt hy vọng nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là "cứu cánh" cho sự tồn tại của EU

Một vài dự đoán khác về châu Âu trong năm 2017:

Brexit sẽ làm rạn nứt mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU và vẫn là vấn đề nổi cộm tác động lớn đến nền kinh tế EU trong năm 2017.

Cuộc khủng hoảng di cư vẫn chưa có hồi kết. Trong năm 2017, châu Âu cần tìm ra ít nhất một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng này.

Cuộc chiến tranh tại Syria sẽ tiếp tục kéo dài và khu vực này sẽ tiếp tục bất ổn.

Quan hệ giữa châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở nên căng thẳng hơn.

Khủng hoảng tài chính sẽ vẫn là một trong những vấn đề chính ở Hy Lạp. Các cuộc bầu cử đột xuất tại nước này có thể được kêu gọi mà có thể dẫn đến sự chiến thắng của Đảng Bào thủ.

Nga có thể can thiệp vào cuộc các bầu cử tại châu Âu thông qua các cuộc tấn công mạng như đã tiến hành tại Mỹ.

Châu Âu tiếp tục hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố do Nhà nước Hồi giáo (IS) hay "những con sói đơn độc" tiến hành./.