Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/12 đã không thể nhất trí về việc mở ra các chương đàm phán mới liên quan đến vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh này. Áo yêu cầu đóng băng các cuộc đàm phán, trong khi 27 nước ủng hộ việc tiếp tục đàm phán với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

eu_tnk_hrrf.jpg
Liên minh châu Âu (EU) chia rẽ về đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp của Hội đồng các vấn đề chung của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ, các nước thành viên đã không đạt được tuyên bố chung liên quan đến đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Đức lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc đóng băng các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia 79 triệu dân với phần đông theo đạo Hồi.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức, ông Michael Roth nói: “Chúng ta không nên dừng bất cứ cuộc đàm phán kết nạp thành viên nào. Điều quan trọng, đó là một tín hiệu rất rõ ràng của Liên minh châu Âu gửi đến công dân Thổ Nhĩ Kỳ - những người chia sẻ các giá trị châu Âu. Chúng ta có nghĩa vụ và có sự kết nối với những người này”.

Trong khi đó, Áo- nước vốn mong muốn ngừng hoàn toàn tiến trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, đã không thông qua tuyên bố chung của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu về vấn đề này. Chính quyền Áo phản đối mạnh mẽ làn sóng thanh trừng sau vụ đảo chính bất thành hồi giữa tháng 7 vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho biết: “Tôi không có ấn tượng rằng các cuộc đàm phán này đã có tác động tích cực đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu nhìn vào tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 3 năm qua, tôi chỉ có thể kết luận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã rời xa Liên minh châu Âu và điều này càng thấy rõ trong vài tháng qua”.

Bộ trưởng ngoại giao Bỉ Didier Reynderns bày tỏ rất lấy làm tiếc khi các nước thành viên đã không thể đạt được tuyên bố chung về việc mở ra các chương đàm phán mới với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi tuyên bố này cần phải có sự nhất trí của tất cả 28 nước thành viên.

Dự thảo văn bản về việc gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ gồm 35 chương liên quan đến các lĩnh vực đặc thù và được bắt đầu từ 2005. Các cuộc đàm phán diễn ra rất chậm, đến nay các bên đã tiến hành đàm phán 16 chương và chỉ hoàn thành được duy nhất một chương.

Trong thỏa thuận liên quan đến vấn đề người di cư hồi tháng 3 với Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu cam kết tái kích hoạt các cuộc đàm phán và để đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ phải nỗ lực ngăn chặn làn sóng người di cư đổ vào các nước của khối.

Tuy nhiên, việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xử phạt mạnh tay đối với những đối tượng tham gia và ủng hộ cuộc đảo chính hồi tháng 7 vừa qua đã bị nhiều nước Liên minh châu Âu chỉ trích mạnh mẽ.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini từng cảnh báo, việc chấm dứt tiến trình đàm phán cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu có thể là sự thất bại cho đôi bên.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng cảnh báo châu Âu sẽ phải chịu hậu quả vì chấm dứt đàm phán cho nước này gia nhập liên minh. Ông cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu thiếu sự thông cảm cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính gây ra tình trạng rối ren trong nước. Tổng thống Erdogan tuyên bố, thay vì EU, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể gia nhập các liên minh an ninh do Nga hay Trung Quốc dẫn đầu./.