Cuộc họp Thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm 2016 diễn ra đúng trong thời điểm cuộc chiến ở Syria ghi nhận bước ngoặt quan trọng trên chiến trường khi quân đội của chính quyền Syria gần như đã giải phóng được Aleppo, thành phố có vị trí chiến lược vốn trước đây do quân nổi dậy chiếm giữ.
Nhưng cùng với đó là những lo ngại về một bi kịch nhân đạo kinh hoàng và các cuộc thảm sát đẫm máu khi phe chiến thắng thực hiện các hành động thanh trừng.
Hình ảnh bên ngoài trụ sở EU tại Brussels. (ảnh: ITN). |
Vì lẽ đó, nhiều ánh mắt dồn về các lãnh đạo châu Âu để tìm kiếm các hành động cụ thể bởi hơn ai hết, phương Tây chính là một trong những bên phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình cảnh hiện nay tại Syria .
Nhưng đáp lại sự chờ đợi có những động thái quyết liệt từ EU là sự bất lực. Lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU, gồm cả Anh, đã không thể đưa ra bất cứ giải pháp hành động cụ thể nào ngoài những lời lẽ lên án và đổ tội yếu ớt.
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May, vẫn tham dự cuộc họp thượng đỉnh này dù Anh đã chọn Brexit, tuyên bố: "Chúng ta không thể cứu những người đã mất nhưng chúng ta có thể cứu những người đang mắc kẹt và đó là việc phải làm ngay", nhưng ngay sau đó bà lập tức rời đi mà không nói cụ thể những việc phải làm ngay là gì.
Nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel thì thừa nhận châu Âu đã thất bại trong vấn đề Syria: "Chúng tôi đã nghe thấy những tiếng nói bi kịch và chúng tôi biết trách nhiệm của mình đến mức nào. Chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi có lẽ đã hành động ở đó ít hơn mức mà chúng tôi kỳ vọng".
Tổng thống Pháp, Francois Hollande, một trong những lãnh đạo phương Tây từng quyết liệt muốn can thiệp quân sự vào Syria vài năm trước, thì chỉ trích thái độ của Moscow đã khiến tình hình ở Syria thêm trầm trọng.
"Nước Nga đã vài lần phủ quyết các giải pháp chính trị của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bây giờ là giải pháp nhân đạo. Trách nhiệm của họ đến đâu nếu lần này họ lại phủ quyết trong khi chúng ta chỉ muốn cứu dân chúng Syria và trong lúc các cuộc chiến đã tạm dừng?", Tổng thống Pháp cho biết.
Tuy nhiên, không có nhiều lãnh đạo châu Âu có thái độ chỉ trích Nga công khai như ông Hollande. Hầu hết đều lảng tránh khi đề cập đến Moscow trong các bình luận về Syria và sự né tránh này thể hiện rõ khi phải bàn về các lệnh trừng phạt đối với Moscow. EU đã chọn một giải pháp "an toàn" là gia hạn thêm 6 tháng những lệnh trừng phạt cũ với Moscow mà không có ý định gia tăng mức độ.
Điều này, như bình luận của nhiều nhà ngoại giao ở Brussels, là vì EU muốn chờ đợi các chính sách rõ ràng hơn đối với Nga từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhưng mặt khác nó cũng cho thấy là năng lực độc lập hành động của EU đang bị triệt tiêu rất mạnh.
Điều này còn thể hiện rõ hơn trong các quyết sách khác của các lãnh đạo EU liên quan đến các vấn đề hệ trọng khác của Liên minh như khủng hoảng tị nạn hay giải quyết quá trình Brexit…
Lãnh đạo EU đã chấp nhận tổ chức một cuộc Thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới nhằm xốc lại các cuộc đối thoại với nước này sau khi Ankara công khai bất mãn với thái độ của phương Tây trong cuộc chính biến ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016 và đe dọa hủy bỏ thỏa thuận về người tị nạn, khiến mối lo về các làn sóng tị nạn mới tràn sang châu Âu vẫn treo lơ lửng trên đầu Liên minh, đặc biệt trong bối cảnh chiến sự phức tạp tại Syria và Iraq./.