Viện trợ cho Ukraine không phải là cho không
Tổng thống Putin cho rằng, quyết định đầu tư 15 tỷ USD vào Ukraine và giảm đến 7 tỷ USD giá khí đốt xuất khẩu từ Nga cho nước này là hoàn toàn thực tế và dựa trên các đánh giá mang tính kinh tế.
Tổng thống Nga Putin cũng nói thêm rằng ông kỳ vọng sẽ thu lại được 5% tiền lãi từ khoản đầu tư vào trái phiếu của Ukraine, một điều mà Tổng thống Ukraine đã xác nhận trong một cuộc gặp gỡ báo chí khác.
Tống thống Nga Putin tại cuộc họp báo (Ảnh RT) |
Nga sẽ cung ứng trước cho Ukraine 3 tỷ USD trái phiếu của Eurobonds vào cuối năm nay. Số trái phiếu này sẽ có thời hạn đến tháng 1/2016. Số tiền 3 tỷ USD sẽ được Nga trích từ 88 tỷ USD Quỹ Phúc lợi Quốc gia của nước này.
VTB, Ngân hàng thương mại quốc doanh lớn thứ 2 tại Nga, sẽ dàn xếp việc mua trái phiếu Eurobonds thông qua Sàn Chứng khoán Ireland theo đúng đề xuất của các nhà đàm phán Ukraine, ông Putin cho biết.
Thay mặt cho Tập đoàn cung cấp khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom, ông Putin cũng cam kết giảm giá 33% khí đốt tự nhiên cung cấp cho Ukraine. Kể từ ngày 1/1/2014, Ukraine sẽ mua khí đốt của Nga với giá 268.5 USD/1.000m3 thay vì 400 USD/1.000m3 như trước đây.
Tuy nhiên, ông Putin cũng cho biết giá bán khí đốt cho Ukraine như vậy vẫn rất công bằng và thỏa thuận mà ông ký năm 2009 với Thủ tướng lúc đó của Ukraine là Yulia Tymoshenko “không hề có ý chèn ép ai”.
“Cách tính giá khí đốt tự nhiên bán cho Ukraine của Nga hoàn toàn giống như các tính giá của nước này khi bán cho các đối tác châu Âu”, Tổng thống Nga tuyên bố.
Kể từ năm 2009, Gazprom đã ký vài phụ lục với Naftogaz để trì hoãn việc Ukraine chi trả tiền khí đốt cho Nga và ông Putin hy vọng rằng mình sẽ sớm tìm ra một giải pháp lâu dài cho vấn đề này.
Ông cũng yêu cầu phương Tây đừng “can thiệp quá sâu” vào việc nội bộ của hai nước.
“Các nước thức 3 đừng có “lên mặt dạy dỗ” chúng tôi rằng Nga phải giảm giá khí đốt cho Ukraine, nếu họ muốn giúp Ukraine thì họ cứ việc làm đi”, ông Putin nói.
Tuy nhấn mạnh đến khía cạnh thực tế trong quyết định giúp Ukraine của mình, ông Putin vẫn nhắc nhở mọi người nhớ về mối quan hệ bằng hữu và thân thiết giữa hai nước.
“Nếu chúng ta tin rằng chúng ta là anh em với nhau thì Nga phải giúp Ukraine và tôi đảm bảo với các bạn rằng đây là lý do chính mà chúng tôi đưa ra quyết định của mình”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Yanukovich (trái) và người đồng cấp Nga Putin ký thỏa thuận hợp tác kinh tế (Ảnh AP) |
Thỏa thuận kinh tế vừa ký với Nga sẽ giúp Ukraine tránh khỏi tình trạng vỡ nợ và có thêm thời gian để thực thi những biện pháp cải cách triệt để hơn nữa để lái “con tàu kinh tế” nước này “trở lại đường ray”.
Nợ nước ngoài của Ukraine đã lên đến 140 tỷ USD chiếm tới 80% GDP của nước này trong khi nền kinh tế nước này dự đoán sẽ chỉ tăng 1.5% trong năm nay.
Nếu Ukraine dừng hoàn toàn việc giao thương với Nga và tập trung hoàn toàn vào EU, ông Putin cảnh báo rằng Ukraine sẽ hoàn toàn phải phụ thuộc vào EU và sẽ suy giảm nhanh chóng.
Ông Putin cũng cho rằng Nga không hề chống lại việc Ukraine hướng về châu Âu nhưng Nga cũng cần bảo vệ lợi ích của mình.
NSA cần hạn chế quyền lực của mình
“Tôi ghen tị với ông Obama vì ông ấy có thể do thám các đồng minh của mình mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào”.
Tổng thống Nga Putin đã trả lời như trên khi được hỏi về sự thay đổi của Nga trong mối quan hệ với Mỹ sau tiết lộ “động trời” của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám các đồng minh của mình.
Tổng thống Nga biểu dương hành động của Snowden và nói rằng đó là “một nghĩa cử cao đẹp”.
Mặc dù chấp nhận tầm quan trọng của các chương trình do thám trong cuộc đấu tranh với các nhóm khủng bố toàn cầu, ông Putin nói rằng NSA cần có những chỉ dẫn cụ thể để hạn chế quyền lực của mình.
Trụ ở của NSA tại Maryland (Ảnh AFP) |
Liên quan đến lượng thông tin khổng lồ mà NSA thu thập từ người dân của mình, Putin cho biết cơ quan này sẽ không thể soi xét cặn kẽ mọi thông tin mình thu thập được và cho rằng việc xem xét các phân tích của các cơ quan tình báo là “không có tác dụng gì” vì nó chỉ thể hiện quan điểm của các nhà phân tích và thậm chí nó còn dẫn đến việc hiểu sai sự thật.
“Bạn cần phải biết rõ những người làm công tác phân tích này. Tôi hiểu rõ điều này vì tôi đã từng làm công việc của họ”, ông Putin nói khi hồi tưởng về sự nghiệp của mình với tư cách là một nhân viên tình báo KGB của Nga.
Tổng thống Nga mô tả Snowden là một “nhân vật kỳ lạ” và nói rằng ông không hiểu tại sao cựu nhân viên tình báo này lại quyết định tiết lộ những thông tin mà mình thu thập được.
Nga không làm việc với Snowden và cũng không nhận những tài liệu đã được phân loại cụ thể của Snowden, Tổng thống Putin khẳng định.
Ai sẽ là người thay thế ông Putin?
Khi được hỏi ai là nhân vật chính trị quan trọng thứ 2 ở Nga, ông Putin đã nêu tên một vài chính trị gia nước này trong đó có lãnh đạo Đảng Cộng sản Gennady Zyuganov và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky.
Giải thích tại sao người đầu tiên đề cập đến lại là ông Zyuganov, Tổng thống Nga cho biết: “Hàng triệu người dân Nga đã bỏ phiếu cho ông ấy, ông ấy là một chính trị gia nổi tiếng và có quan điểm riêng của mình. Tôi không đồng tình với rất nhiều những quan điểm đó dù tôi thấy rằng chúng rất thực tế, đặc biệt là khi chúng liên quan đến các vấn đề quốc tế và vấn đề xã hội trong nước”.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Gennady Zyuganov (Ảnh AP) |
Trong khi đó, ông Putin miêu tả ông Zhirinovsky như một chính trị gia “đầy khiêu khích” nhưng lại có rất nhiều đề xuất “rất ổn”.
Tổng thống Nga Putin sau đó còn đề cập đến lãnh đạo Đảng Nước Nga Công bằng Sergey Mironov, một người mà theo ông là “một chính trị gia có tính cách rất độc lập”.
Ông Putin cũng nhắc nhở mọi người rằng Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đang làm rất tốt công việc của mình với tư cách là người đứng đầu Đảng Nước Nga thống nhất.
“Ông ấy có rất nhiều kinh nghiệm về chính trị và giờ đang rất bận rộn với nhiều công việc liên quan đến các vấn đề về kinh tế”, ông Putin nói.
Mặc dù vậy ông vẫn không chịu tiết lộ ai có thể là người sẽ thay thế mình và chỉ nói rằng “không có gì đáng bàn về việc này”.
Khi được hỏi về 3 nguyên tắc quan trọng mà ông tin rằng những người lãnh đạo nên tuân thủ, Tổng thống Nga cho biết: Nguyên tắc đầu tiên là không bao giờ được chối bỏ trách nhiệm. “Ngay khi bạn bắt đầu làm như vậy thì sự nghiệp của bạn sẽ chấm dứt”.
Nguyên tắc thức hai là không bao giờ tự đưa ra một quyết định nào mà không lắng nghe những người cố vấn của mình. “Tuy nhiên, những quan điểm của họ có thể rất khác biệt và người lãnh đạo phải tự đưa ra quyết định cuối cùng”.
Cuối cùng, theo ông Putin, một nhà lãnh đạo phải luôn hiểu được những mối lo hàng ngày của người dân nước mình.
“Bạn sẽ không thể làm khác được”, ông Putin khẳng định./.