Ngày 17/12, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng liên minh và chính sách láng giềng Stefan Fuele nói rằng, ông hoan nghênh thỏa thuận Nga-Ukraine nếu nó không đi ngược lại cam kết ban đầu của Ukraine về hiệp ước thương mại và chính trị với châu Âu.

eu1.jpg
Quốc kỳ của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trước trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, ông Fuele nói: “Nếu các cuộc thảo luận tại Moscow đưa quan hệ thương mại Nga-Ukraine trở lại với nền tảng là lợi ích song phương, và nếu những thỏa thuận 2 nước đạt được phù hợp với những cam kết trước đó của Ukraine trong thỏa thuận ngày 18/09 với châu Âu, thì chúng ta đều hoan nghênh”.

Trước đó cũng trong ngày 17/12, Nga đã đồng ý cung cấp khoản hỗ trợ 15 tỷ USD cho Ukraine và giảm giá khí đốt xuất khẩu sang nước láng giềng. Thoả thuận Nga-Ukraine đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich tại Moscow.

Ông Yanukovich cho rằng, quan hệ hợp tác chiến lược giữa Ukraine và Nga phải được tiếp tục phát triển trên cơ sở hai bên cùng có lợi và đáp ứng được kỳ vọng chung.

Phản ứng với thỏa thuận Nga-Ukraine, hàng chục nghìn người biểu tình thân châu Âu đã lại tập trung về thủ đô Kiev để bày tỏ sự thất vọng và phản đối.

Đến nay, châu Âu nói rằng vẫn đang để ngỏ cánh cửa với Ukraine, đồng thời cam kết Ukraine sẽ nhận được nhiều viện trợ hơn nếu ký thỏa thuận này. Song thỏa thuận Nga-Ukraine vừa đạt được sẽ tác động không nhỏ đến thái độ của Liên minh châu Âu với nước đối tác phương Đông này.

Nhiều nhà lãnh đạo mới, trong đó có tân Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng  đã lên tiếng phản đối thỏa thuận Nga-Ukraine./.