Đây là khẳng định của Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov liên quan đến lợi ích của Ukraine khi hoãn các thỏa thuận với Liên minh châu Âu và hướng đến hợp tác với Nga.

Thỏa thuận giữa Nga và Ukraine có thể coi là giải pháp tạm thời cứu nền kinh tế Ukraine, vốn đang gặp nhiều khó khăn.

ukraine_copy.jpg
Tổng thống Ukraine và người đồng cấp tại lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác (Ảnh AFP)

Hiện Ukraine đang cần các khoản tiền khẩn cấp để trang trải khoản nợ 17 USD trong năm tới.

14 thỏa thuận hợp tác được kí trong chuyến thăm Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych vừa qua, trong đó có thỏa thuận Nga bán khí đốt cho Ukraine với giá thấp hơn và mua công trái của Ukraine, giúp nước này tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Thủ tướng Azarov cho rằng, thỏa thuận giữa Nga và Ukraine là lựa chọn duy nhất cho nước này vào thời điểm khủng hoảng kinh tế. Bởi nếu Ukraine kí thỏa thuận với Liên minh châu Âu thì nước này sẽ phải chấp nhận những điều kiện hà khắc của Quĩ Tiền tệ Quốc tế trong việc cải cách kinh tế.

Đặc biệt, Ukraine đang cần giải quyết khoản nợ đến kỳ thanh toán vào cuối năm nay, trị giá 2 tỷ USD. Chính vì vậy, lựa chọn dừng kí thỏa thuận với Liên minh châu Âu và thăm Nga của Tổng thống Yanukovych cũng là dễ hiểu, bất chấp sức ép của các cuộc biểu tình trong nước cũng như các đối tác châu Âu.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga muốn giúp đỡ Ukraine trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay: "Ukraine hiện đang trong tình hình kinh tế, chính trị và xã hội khó khăn. Tình hình này gia tăng bởi nhiều yếu tố và lí do khác nhau. Và nếu như là một quốc gia "anh em" ,thì chúng tôi phải hành động như những người thân thiết và ủng hộ cho người dân Ukraine trong hoàn cảnh khó khăn này".

Một số nghị sĩ quốc hội Ukraine cũng cho rằng, chuyến thăm của ông Yanukovych tới Nga sẽ mở ra cánh cửa mới đối với hợp tác kinh tế thương mại song phương, giúp ổn định tình hình kinh tế chính trị Ukraine. 

Không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trước mắt của Ukraine, với những điểm tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, thị trường Nga sẽ là một điểm đến lớn cho các nhà đầu tư của Ukraine.

Nghị sĩ Ukraine Vitalina Dzoz cho rằng: “ Đây là  thời điểm tích cực mới của Ukraine bởi vì Nga là một thị trường chính cho hàng hóa của Ukraine. Hiện tại, khoảng 80% sản phẩm công nghiệp của Ukraine được bán tới Nga. Vì vậy sẽ có một mất mát lớn đối với nền kinh tế Ukraine nếu mất đi thị trường Nga”.

Chưa rõ những tuyên bố của Thủ tướng Ukraine có thuyết phục được người biểu tình tại nước này hay không, nhưng hãng tin Itar-tass của Nga cho biết, tình hình tại Quảng trường Độc lập đã lắng dịu hơn. Người biểu tình vì nhiều lý do khác nhau, trong đó việc chuẩn bị đón năm mới, nên đã quyết định về nhà.

Vẫn còn nhiều chỉ trích đối với quyết định của Tổng thống Yanukovych khi “quay lưng” với châu Âu để hướng tới Nga nhưng rõ ràng lợi ích mà sự hợp tác này mang lại cho nền kinh tế Ukraine có thể nhìn thấy khá rõ ràng trong tương lai gần.

Thêm vào đó, giới quan sát cũng cho rằng, Ukraine vẫn để ngỏ tiến tới thỏa thuận với Liên minh châu Âu vào đầu năm 2014 tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine-Liên minh châu Âu.

Trong một động thái tích cực "kéo" Ukraine gần hơn với châu Âu, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherin Ashton ngày 19/12 khẳng định, những thỏa thuận hợp tác vừa mới được ký giữa Ukraine và Nga không cản trở việc ký kết Hiệp định liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).

Liên minh châu Âu vẫn mở cửa đối với Ukraine. Và như vậy thì lập trường bấy lây nay của Ukraine hợp tác với Nga và tăng cường hội nhập châu Âu vẫn hoàn toàn không bị thay đổi./.