Dừng chiến dịch xét nghiệm nhanh
Nhiều tỉnh thành ở quốc gia này đã chấm dứt biện pháp phong tỏa và thiết lập vùng đỏ, đồng thời dỡ bỏ hạn chế đi lại trong bối cảnh lễ hội Pchum Ben diễn ra từ ngày 5 đến 7/10. Pchum Ben là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất hằng năm tại Campuchia, nhằm tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, những người đã mất. Trong dịp lễ này, người dân Campuchia, trong đó phần lớn đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, đã đi chùa và du lịch nhiều nơi trên cả nước.
Thủ tướng Hun Sen cho rằng, lễ hội Pchum Ben là phép thử về độ an toàn để xem liệu nước này có thể mở cửa hoàn toàn vào cuối năm nay hay không. Theo ông Hun Sen, nếu tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chính phủ sẵn sàng mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục các hoạt động xã hội.
Một số nguồn tin cho biết, các phe phái trong chính phủ Campuchia và giới kinh doanh đang yêu cầu đưa cuộc sống trở lại bình thường và mở cửa các sân bay để đón khách nước ngoài.
Yêu cầu này phần lớn xuất phát từ việc Campuchia đang đạt được những thành công ấn tượng trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng. Khmer Times trích dẫn dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Campuchia ngày 7/10 cho biết, 84,10% trong tổng số 16,72 triệu người dân ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 66% được tiêm phòng đầy đủ. Số người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine là hơn 9,9 triệu người.
Campuchia không chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Đông Nam Á, mà hiện nay, nước này cũng vượt qua hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ và Đức.
Tuy vậy, tỷ lệ tử vong tại Campuchia vẫn ở mức cao và số ca mắc Covid-19 đã tăng đột biến, lên đến mức đỉnh điểm gầm 1.000 ca vào ngày 30/9 trước khi Thủ tướng Hun Sen yêu cầu dừng chiến lược xét nghiệm nhanh trên diện rộng và nói rằng, mọi người cần phải học cách sống chung với căn bệnh này.
Trong thông điệp bằng âm thanh gửi đến các quan chức tuần trước, ông Hun Sen nói: “Đối với những người không có bất cứ vấn đề gì, chúng ta không phải làm xét nghiệm nhanh cho họ vì đây là cách thức học sống chung với Covid-19”.
Do hạn chế xét nghiệm nên số ca mắc Covid-19 tại Campuchia đã giảm xuống còn khoảng 200 trường hợp mỗi ngày. Giải thích về quyết định nói trên của Thủ tướng Hun Sen, tờ Khmer Times đăng tải một bài viết cho biết: “Chúng ta không được mắc sai lầm và vẫn phải cảnh giác cao độ, nhưng sự mệt mỏi trong gần 2 năm sống với các biện pháp hạn chế và phòng ngừa đã thúc đẩy mọi người quen với trạng thái bình thường mới. Đây là lý do tại sao chiến dịch xét nghiệm nhanh bị chậm lại”.
Tính đến ngày 7/10, Campuchia đã ghi nhận 2.431 ca tử vong. Truyền thông Campuchia cho biết, khoảng 2/3 số ca tử vong ở nước này là những người chưa tiêm vaccine.
Việc hạn chế xét nghiệm nhanh được coi là bước đi đầu tiên để xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch Covid-19 sang bệnh đặc hữu, nhưng theo giới quan sát, điều này sẽ làm giảm số ca mắc Covid-19 chính thức được ghi nhận. Quyết định đó cùng việc ngừng công bố các số liệu ở cấp địa phương sẽ khiến quá trình đánh giá mức độ lây lan thực sự của dịch bệnh tại Campuchia trở nên khó khăn hơn. Một số người cho rằng, chắc chắc dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng ở Campuchia, nhưng kết quả gần 1 tuần qua đã hoàn toàn đảo ngược xu hướng này.
Áp dụng quy chế thẻ xanh Covid-19
Trong một nỗ lực nhằm hướng tới trạng thái bình thường mới, thủ đô Phom Penh của Campuchia đã ban hành quy chế thẻ xanh. Theo đó, người dân buộc phải xuất trình thẻ hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 mỗi khi ra vào trường học, chợ và các cơ sở kinh doanh.
Quy định mới cũng được áp dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên sau khi Campuchia thực hiện chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ ngày 17/9. Đến nay đã có 1.778.874 trẻ em từ 6 đến 12 tuổi được tiêm mũi đầu tiên. Theo quy định mới, người từ 18 tuổi trở lên phải tự xuất trình thẻ tiêm chủng, còn những người từ 6 đến dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng và xuất trình giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, ban giám hiệu trường học, ban quản lý chợ, chủ doanh nghiệp và các cơ sở khác có thể bị thu hồi giấy phép, thậm chí bị buộc phải đóng cửa nếu không tuân thủ quy định mới.
Theo Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng, Phnom Penh đã được công nhận là thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, với gần 100% dân số được tiêm 1 hoặc 2 liều vaccine và một số người được tiêm liều tăng cường./.