Ấn Độ hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng, với những bệnh nhân tuyệt vọng vì thiếu nguồn cung oxy, các bệnh viện chật cứng bệnh nhân và lò hỏa thiêu quá tải.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đang lập kỷ lục về số ca mắc Covid-19, với gần 400.000 ca bệnh mới được báo cáo hàng ngày. Theo CNN, điều tồi tệ nhất tại Ấn Độ vẫn chưa xảy ra và Mỹ cần đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ quốc gia Nam Á này. Covid-19 là một đại dịch trên toàn cầu, hậu quả của nó đối với Mỹ và các nước khác trên thế giới sẽ rất tàn khốc nếu không thể kiểm soát cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ.
Tại sao cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ lại ảnh hưởng đến thế giới?
Đầu tiên, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ đã tạo điều kiện cho các biến thể nguy hiểm xuất hiện, cản trở tiến triển ngăn chặn đại dịch trên thế giới. Ngoài biến thể B.1.1.7 đã phổ biến trên toàn thế giới, các biến thể B.1.617 và B.1.618 hiện đang lây lan nhanh chóng tại Ấn Độ. Các biến thể mới này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn và có thể tránh được khả năng miễn dịch từ vaccine hoặc lần lây nhiễm trước đó. Bên cạnh Ấn Độ, biến thể B.1.617 đã lây lan ra hơn 20 quốc gia khác, trong đó có Mỹ. Mỗi biến thể mới đều đe dọa khả năng phục hồi kinh tế và hướng tới miễn dịch cộng đồng của các nước.
Thứ hai, Ấn Độ là nhà cung cấp vaccine và thuốc lớn trên toàn thế giới. Ấn Độ đã đồng ý cung cấp vaccine cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua chương trình COVAX Facility - sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu. Ấn Độ cũng là nhà sản xuất remdesivir, một loại thuốc được sử dụng để giảm tình trạng mắc Covid-19 nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Ấn Độ sẽ làm suy yếu khả năng chống đại dịch của thế giới vì nhiều quốc gia sẽ mất đi nguồn cung vaccine và thuốc quan trọng.
Cuối cùng, Mỹ là nước được hưởng lợi trực tiếp về y tế và phúc lợi kinh tế của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á là một đồng minh kinh tế và an ninh quan trọng của khu vực. Đồng thời, các bác sĩ gốc Ấn đóng vai trò quan trọng trong việc lấp đầy khoảng trống lực lượng lao động quan trọng ở Mỹ và giúp cung cấp dịch vụ cứu sống trong đại dịch. Ấn Độ là nước xuất khẩu bác sĩ lớn nhất thế giới, cung cấp hàng chục nghìn y tá và bác sĩ cho Mỹ. Do đó, đầu tư vào Ấn Độ đồng nghĩa với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của chính đất nước.
Mỹ có thể giúp Ấn Độ trước khủng hoảng Covid-19 như thế nào?
“Chúng ta thực sự cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ấn Độ”, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden nói. Ngoài tuyên bố viện trợ cho Ấn Độ gần đây của chính quyền ông Biden, Mỹ nên dẫn đầu trong kế hoạch ngoại giao y tế dài hạn.
Bước đầu tiên, Mỹ nên chuyển tất cả các liều vaccine dư thừa cho Ấn Độ và các quốc gia khác có nhu cầu. Việc này giúp Mỹ không phải tích trữ vaccine mà thay vào đó đảm bảo vaccine sẽ được phân phối công bằng cho những quốc gia đang cần. Công bằng vaccine trên toàn cầu là điều quan trọng khi chỉ 0,3% nguồn cung vaccine Covid-19 toàn cầu hiện được phân bổ cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Mỹ cũng nên giúp Ấn Độ và các quốc gia khác sản xuất vaccnie, thuốc và vật tư y tế để chống lại đại dịch. Nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ, đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với việc xuất khẩu các nguyên liệu thô chính để sản xuất vaccine. Cam kết gần đây của Mỹ trong việc gửi nguyên liệu thô và viện trợ cho Ấn Độ là một khởi đầu cần thiết để giải quyết một số nhu cầu về Covid-19 cấp bách của Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ cần nhiều hơn thế nữa, ngoài nguồn cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân, oxy và các khoản đóng góp khác trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Để giúp chấm dứt đại dịch toàn cầu, Mỹ cũng phải ủng hộ việc từ bỏ bằng sáng chế, cho phép Ấn Độ và các nước có thu nhập thấp và trung bình khác sản xuất vaccine Covid-19 của riêng họ thông qua tăng cường hợp tác với các quốc gia khác, tăng cường tài trợ từ các nguồn lực tổng hợp, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ từ các nhà cung cấp hiện có. Ngoài ra, Mỹ cần viện trợ để các nước này có các công cụ chẩn đoán và xét nghiệm RT-PCR nhanh chóng cũng như giải trình tự gen cho các biến thể mới xuất hiện.
Nếu tình hình dịch bệnh không thuyên giảm, các dự đoán cho rằng, số ca tử vong do Covid-19 của Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Mỹ. Trong khi Mỹ đã bắt đầu hạn chế đi lại từ Ấn Độ, cần phải nhớ rằng lệnh cấm đi lại không thể chấm dứt một đại dịch trên toàn cầu.
Theo CNN, khi thế giới ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất, với 1/3 trong số đó đến từ Ấn Độ, Mỹ cần dẫn đầu trong chính sách ngoại giao y tế toàn cầu để chấm dứt đại dịch./.