Cơ quan chức năng Đức cho biết đã tìm thấy một video trên điện thoại di động của kẻ gây ra vụ nổ bom liều chết ở bên ngoài một lễ hội âm nhạc tại thành phố Ansbach, bang Bayern đêm 24/7, trong đó tên này đã "thề trung thành" với thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của tổ chức khủng bố IS. Diễn biến mới này xảy ra sau 3 vụ tấn công liên tiếp tại Đức khiến tâm lý kỳ thị người nhập cư đang gia tăng nhanh.

Vậy, chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel đang đưa nước Đức tới đâu?

“Chị đi đường nên cẩn thận. Đừng nên tới chợ Đồng Xuân (Berlin) một mình vào chiều tối nhé”, chị Chu Thanh Hà, một người Việt sống ở thủ đô Berlin nhắc tôi. Chị Hà cho biết trước đây Berlin rất yên bình, nhưng nay mọi chuyện đã khác. “Nếu để túi xách trong ô tô, rất có thể lúc quay ra kính xe ô tô đã bị đập vỡ và túi thì không cánh mà bay”.

Không chỉ chị Hà mà một nhà báo người Việt khác đã sống hơn 30 năm ở Berlin, chị Quỳnh Nga cũng đã viết đôi lần trên trang cá nhân của mình về nguy cơ mất an ninh có thể xảy ra ở đây. Điều này là không thừa sau một loạt các vụ tấn công xảy ra tại nhiều thành phố của nước Đức thời gian gần đây.

an_ninh_dang_tro_thanh_mot_thach_thuc_moi_o_duc_esbj.jpg
An ninh đang trở thành một thách thức thật sự với Đức.

Tới thăm khu nhà của người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ ở quận Wedding (Berlin) đúng vào tháng ăn chay của người Hồi giáo (Ramadan), chứng kiến cảnh họ cầu nguyện rồi uống nước chuyện phiếm với nhau ở dưới sân, mới thấy Chính phủ Đức đã nỗ lực thế nào để hỗ trợ người nhập cư hòa nhập xã hội phương Tây.

Bà Suhran Altunhaynak, 46 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức được 6 năm cho biết bà bằng lòng với cuộc sống hiện tại với vai trò quản lý một dự án văn hóa hỗ trợ chính cộng đồng nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ của bà hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một mặt của đồng xu.

Người Đức đã sẵn sàng đối mặt với vấn nạn nhập cư?

Con số 70.000 các vụ phạm tội (thủ phạm là người nhập cư) trong quý I/2016 và loạt vụ 4 tấn công, trong đó thù phạm tất cả đều là người nhập cư xảy ra trong 1 tuần qua đã hé lộ tảng băng chìm mà nhiều người lo ngại. Người ta đã nghĩ tới một kịch bản xấu nhất, đó là ngày càng có thêm những con “Sói đơn độc” đe doạ an ninh nước Đức.

“Mô tuýp Sói đơn độc đang ngày càng phổ biến ở Đức và các nước EU. Các vụ xả súng kinh hoàng ở Munich và dùng rìu chém hành khách ở bang Bavaria dù chỉ do 1 đối tượng đơn lẻ thực hiện nhưng hết sức nguy hiểm và gây ra nguy an ninh cơ lớn”, nhà báo Nguyễn Đức Chung, TTX Việt nam tại Berlin nhận định.

Tâm lý lo ngại đang gia tăng và điều đó là khó tránh khỏi. Vậy điều gì đang xảy ra tại nước Đức? Phải chăng chính chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel đã dẫn tới hệ quả hiện nay?

Khi chúng tôi hỏi về điều này, một quan chức Đức phụ trách về Nhập cư, Di cư và Hội nhập cũng đã thừa nhận rằng “hiện ngay trong chính phủ Đức đang tồn tại cuộc tranh cãi giữa quan điểm ủng hộ và phản đối chính sách nhập cư của bà Merkel” và đó là một thực tế mà họ phải đối mặt.

Dù Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nhấn mạnh, người dân Đức không được đánh đồng tất cả những người di cư tới Đức đều là mối đe dọa an ninh, nhưng nhiều người dân Berlin vẫn tỏ ra lo ngại. “Berlin bây giờ vẫn ổn nhưng thời gian tới thì chưa biết ra sao”, chị Mia, một người Đức mà chúng tôi gặp ở quán ăn Hy Lạp Sokrates nói “Nói chung là phải cẩn thận thôi”.

Bây giờ, người dân Berlin đã dần quen với tiếng còi hú của các xe cảnh sát bất chợt vang lên ngoài đường phố.

Tuy nhiên, bản thân những người tỵ nạn cũng không muốn bị đánh đồng với những kẻ tội phạm. Người ta đã bắt gặp cảnh những người tỵ nạn xuống đường biểu tình phản đối các vụ tấn công và bạo lực sau hàng loạt các vụ tấn công, xả súng vừa diễn ra.

Những người tỵ nạn ở Wuerzburg xuống đường biểu tình với khẩu hiệu “Không phải tôi”, phản đối hành động tấn công khủng bố trên tàu hoả hôm 18/7.

Phân tích về những gì xảy ra hiện nay trong xã hội Đức, Giáo sư Dr Werner Patzelt, chuyên gia nghiên cứu chính trị quốc tế (khoa Chính trị quốc tế Đại học Dresden, Đức), đồng tác giả cuốn sách viết về Pegida (phong trài bài người Hồi giáo, bài người nhập cư ở Đức) nhận định: Phong trào Pegida (2014) đã chia rẽ xã hội Đức sâu sắc.

“Pegida đã khiến bất đồng quan điểm xuất hiện trong nhiều gia đình Đức. Sự ủng hộ Pegida của thế hệ này, sự phản đối của thế hệ kia đang tạo ra khoảng trống đối lập nhau trong hệ tưởng Đức và điều này là khá nguy hiểm”. Giáo sư Dr Werner Patzelt nói. Ông cho biết ở Đức hiện nay, từ Pegida được dùng để ám chỉ một hiện tượng tranh cãi và bất đồng mới xuất hiện và có nguy cơ lan rộng. 

“Theo quan điểm của tôi, những cái hố ngăn cách trong xã hội, giữa người giàu và người nghèo, người bản xứ với người nhập cư, giữa các cộng đồng nhập cư với nhau và nhất là sự gia tăng đột biến của dòng người di cư đã làm tình hình an ninh bất ổn và làm gia tăng các con sói đơn độc”, nhà báo Nguyễn Đức Chung phân tích.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Phạm Quang Minh một nhà phân tích quốc tế chuyên nghiên cứu về châu Âu (Đại học KHXHNV) lại cho rằng nỗi bất an và lo sợ hiện nay đến từ nhiều nguyên nhân chứ không riêng gì chính sách nhập cư của Thủ tướng Merkel: “Tôi cho rằng không nên đổ lỗi cho chính sách nhập cư của bà Merkel.

Các nước Pháp, Bỉ lân cận, dù không mở rộng cửa cho người nhập cư như Đức, nhưng vì sao các nước này vẫn bị tấn công? Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố muốn reo rắc nỗ hoang mang lo sợ và bất cứ quốc gia nào, khi có cơ hội là chúng sẽ ra tay”.

Sẽ có những thay đổi chính trị lớn?

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện INSA thực hiện mới đây, tỷ lệ người Đức được hỏi ủng hộ một chính phủ đại liên minh cầm quyền giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lần đầu tiên giảm xuống dưới 50%.

Cũng theo cuộc thăm dò, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có thể sẽ trở thành thế lực lớn thứ ba ở Quốc hội trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới. Lý giải về những con số này, báo chí Đức cho rằng sụt giảm trên một phần có liên quan với cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Sự lo ngại của Đảng này có thể là cơ hội cho đảng kia. Tiến sỹ Phạm Quang Minh cho rằng nếu tình hình an ninh bất ổn tiếp diễn thì rất có thể cán cân chính trị tại Đức sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2017.

“Những gì đang diễn ra đã tạo ra một tâm lý rất lo lắng và hoảng sợ cho người dân Đức và đây cũng chính là cơ hội cho đảng “Sự lựa chọn thay thế của nước Đức” gia tăng ảnh hưởng của mình”, Tiến sỹ Phạm Quang Minh phân tích “Đảng mới có thể giành được sự ủng hộ nhất định trên chính trường Đức. Uy tín và vị trí của đảng cầm quyền của bà Merkel sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn”.      

Nguy cơ làn sóng người tỵ nạn vào Đức sẽ còn gia tăng sau khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu  cảnh báo Ankara sẽ ngừng thoả thuận với Liên minh châu Âu (EU) về hạn chế dòng người di cư đến lục địa này nếu EU không áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sư Werner Patzelt

Trả lời câu hỏi của VOV về việc vì sao EU, trong đó có Đức vẫn trù trừ không thông qua quyết định bãi bỏ hoàn toàn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU-nhằm đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp EU ngăn chặn dòng người nhập cư qua Thổ; tác động của nó đối với giải quyết khủng hoảng, một quan chức cấp cao nói rằng: "Đức không tự quyết định mọi việc mà EU là một thực thể thống nhất. Khi đã đưa ra điều kiện trao đổi thì các bên phải tôn trọng nhau. EU không khắt khe trong việc phê chuẩn thỏa thuận cuối cùng bãi bỏ hoàn toàn visa cho công dân Thổ, nhưng ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần đạt được các tiêu chí của EU đề ra, đặc biệt là vấn đề nhân quyền ".

Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel dự báo, vào trung hạn, mỗi năm, Đức có thể đón nhận khoảng 500.000 người nhập cư.

Tạp chí Der Spiegel của Đức công bố một số liệu mới cho biết từ nay cho đến cuối năm 2020, chính phủ Đức dự kiến phải chi khoảng 93,6 tỷ euro cho các chi phí liên quan đến cuộc khủng hoảng người tỵ nạn. Con số này có thể sẽ đặt thêm nhiều áp lực đối với Thủ tướng Merkel, đồng thời giảm bớt cơ hội giành chiến thắng của CDU/CSU trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Tôi chỉ mong một cuộc sống yên bình”, ông chủ quán ăn Grigoriadis Sokrates nói. “Tôi chỉ mong kiếm được nhiều tiên và nhiều người đến đặt các món ăn của tôi”.

Tuy nhiên, với nguy cơ các cuộc tấn công có thể tiếp diễn tại Berlin và nhiều thành phố khác, người Đức sẽ nhìn ngýời nhập cư bằng ánh mắt thế nào là điều chưa ai có thể dự đoán trước.

Nếu cán cân chính trị Đức thay đổi sau cuộc bầu cử Quốc hội trong năm tới, chắc chắn sẽ không có thêm nhiều người nhập cư hài lòng về cuộc sống hiện tại, như ông chủ quán ăn Grigoriadis Sokrates hay ông chủ salon Tóc Shan Rahimkhan./.