LTS:Chỉ trong 10 ngày qua, nước Đức liên tục rúng động bởi một loạt các vụ tấn công, xả súng, đánh bom tự sát khiến nhiêu người thương vong.

Trong đó, vụ nổ bom liều chết ở bên ngoài một lễ hội âm nhạc tại thành phố Ansbach, bang Bayern đêm 24/7, có liên quan đến Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thủ phạm của các vụ việc này đều là những thanh niên nhập cư còn rất trẻ có tư tưởng cực đoan, tấn công nước Đức theo mô tuýp “Sói đơn độc”..

Đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng sự bất ổn hiện nay ở Đức là do chính sách mở cửa cho người tỵ nạn mà Thủ tướng Merkel đang triển khai. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng không phải như vậy.

Vậy điều gì đang xảy ra tại Đức khi nguy cơ khủng bố đang cận kể? Có mặt trong đoàn phóng viên quốc tế, phóng viên VOV đã tới Đức để tìm hiểu câu chuyện này.

Nằm ở phía Nam thủ đô Berlin, quán ăn nhỏ của ông Grigoriadis Sokrates ẩn khuất trong những rặng cây. Khi chúng tôi đến đã là 20h nhưng trời vẫn sáng, quán vẫn rất đông người.

a1_quan_an_sokrates_wkem.jpg
Quán ăn nhỏ của ông Grigoriadis Sokrates rất đông người.

“Chúng tôi phục vụ rất nhiều món ăn ngon và cư dân xung quanh đây đều biết đến quán của tôi”,   ông Grigoriadis Sokrates tự hào kể “Bất cứ khi nào cần, họ lại gọi điện đặt”.

Người đàn ông Hy Lạp 65 tuổi này đã đến Đức từ 35 năm trước. “Tôi đi theo tiếng gọi của tình yêu”, ông hóm hỉnh kể “cô ấy tới sống ở Đức và tôi xin tỵ nạn để đi theo cô ấy”.

35 năm sống ở Berlin với một quán ăn nhỏ, ông Grigoriadis Sokrates nói rằng cuộc sống ở Đức tốt hơn rất nhiều so với quê hương Hy Lạp trước đây. Ông được tôn trọng, có sự nghiệp riêng cho dù cũng phải vất vả mới có thể tồn tại được ở Berlin đắt đỏ này.

Ông Grigoriadis Sokrates chỉ là một trong số 20% người nhập cư đã chính thức trở thành công dân Đức. Họ đến đây vào những năm 80 của thế kỷ trước với nhiều số phận và khao khát đổi đời khác nhau. Chiến tranh, xung đột và bất ổn đã khiến nước Đức trở thành miền đất hứa đối với nhiều người tỵ nạn.

Năm 1992- thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh tại Liên bang Nam Tư cũ, Đức đã đón nhận 438.000 người nhập cư, một con số kỷ lục thời bấy giờ mà không một nước châu Âu nào có thể tiếp nhận. 24 năm sau mốc lịch sử ấy, năm 2015, nước Đức đã lập một kỷ lục khác khi đón gần 1 triệu người nhập cư từ Syria, Iraq, Iran, Bờ Biển Ngà, Guinea-Bissau… và nhiều quốc gia khác đến định cư tại Đức.

“Mỗi ngày có khoảng 10.000 người đứng ở cửa biên giới xin tỵ nạn vào Đức”, một quan chức phụ trách Vụ Hội nhập (Ủy ban Chính phủ LB Đức về Nhập cư, Di cư và Hội nhập, Bộ Ngoại giao Đức) cho biết.

Tiến sỹ Holger Kolb, người đứng đầu nhóm soạn thảo Báo cáo thường niên về người Nhập cư (Uỷ ban Chuyên gia về Hội nhập và Nhập cư Liên bang Đức) cho biết con số đáng ngạc nhiên: Năm 2015, trong số gần 1 triệu người nhập cư vào Đức có 2/3 là người nhập cư từ châu Âu (Balkan, Latvia, Slovakia, Séc, Balan, Romania…).

Nhóm người nhập cư vào Đức trước đây phần lớn đều đến từ các nước Syria, Iraq, Iran và các nước châu Phi xa xôi, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột. “Đó là một con số đáng lưu ý”, Tiến sỹ Holger Kolb nói “Điều này cho thấy sự dịch chuyển và thay đổi của làn sóng tỵ nạn vào Đức”.

Làn sóng nhập cư đang làm biến đổi nhân chủng học tại Đức.

Ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng nhập cư sẽ làm nước Đức thay đổi mạnh mẽ. Stephan Sievert, một nghiên cứu sinh, Học viện Dân số và Phát triển Đức cho rằng tỷ lệ người nhập cư vào Đức tăng nhanh sẽ làm biến đổi nước Đức về mặt nhân chủng học.

“Sau một vài thập kỷ nữa, người Đức sẽ có thêm nhiều gốc gác”. Stephan Sievert nêu ví dụ “Nếu năm 2015 bạn mới nhập cư vào Đức, thì phải 70 năm sau, cháu chắt bạn mới được công nhận là công dân Đức “xịn”.

Khi được hỏi gần 1 triệu người nhập cư vào Đức trong năm 2015 liệu sẽ gây ra những tác động gì đối với nước Đức? Vị quan chức phụ trách nhập cư Đức cười và nói rằng: “Không dễ dàng gì khi giải bài toán này. Nhưng tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ góp phần phát triển nước Đức”.

Hiện, dân số Đức đang già đi nhanh chóng. Theo Ủy ban Châu Âu, từ nay đến 2060, dân số Đức sẽ giảm xuống còn khoảng 70 triệu người so với 85 triệu người hiện nay.

Tỷ lệ già hoá dân số đi đôi với những thách thức về tăng trưởng kinh tế và nguồn nhân lực. Và đây chính là lời lý giải cho con số gần 1 triệu người nhập cư vào Đức trong năm 2015 vừa qua.

Tiến sỹ Carmen Eugenia Bârsan, Uỷ ban Thị trường Lao động (Bộ Lao động Liên bang Đức) cho biết năm 2015, nước Đức đã có thêm 16.000 lao động, trong đó phần đông đến từ các nước châu Âu.

56% người lao động nhập cư đã được hỗ trợ tìm việc làm phù hợp so với tỷ lệ 25% trước đây. “Người nhập cư được tuyển chọn vào các vị trí việc làm tuỳ theo khả năng của họ”.

Tiến sỹ Carmen Eugenia Bârsan giải thích “Tuy nhiên người tỵ nạn phải đáp ứng được nhiều điều kiện như đạt chứng chỉ tiếng Đức, và các khoá đào tạo nghề bắt buộc”.

Tuy nhiên, một điều may mắn là chính phủ Đức luôn hỗ trợ cho họ tìm được việc làm và ổn định cuộc sống. Tiến sỹ Carmen Eugenia Bârsan cho biết tháng trước, Bộ Lao động Liên bang Đức đã tổ chức một số dự án giúp đỡ người nhập cư hội nhập trong nhiều lĩnh vực ở bang Bavaria. Theo thống kê từ Uỷ ban thị trường Lao động, đã có khoảng 2.960 người nhập cư được hỗ trợ tham gia các dự án này.

Tuy nhiên, khái niệm tỵ nạn và nhập cư cần được hiểu tách bạch hơn. Những người tỵ nạn xin vào Đức ngày càng đông, nhưng để được nhập cư vào Đức họ cần phải có đơn và đáp ứng rất nhiều điều kiện về lý lịch và nhân thân mà chính phủ Đức đề ra.

Khi hồ sơ của họ được chấp nhận, những người tỵ nạn sẽ được vào Đức và chuyển vào các trại đón tiếp người tỵ nạn do chính phủ Đức tài trợ và từ đây họ sẽ được hỗ trợ và xem xét xem có thể đáp ứng các yêu cầu để nhập cư vào Đức hay không.

Là một trong những quốc gia xét duyệt hồ sơ định cư khó nhất thế giới, người nhập cư muốn vào Đức phải trải qua nhiều vòng xét duyệt khác nhau. Ban đầu sau khi hồ sơ được chấp thuận, sau khi ổn định chỗ ăn, ở trong các nhà đón tiếp, từ 3-6 tháng đầu tiên, họ sẽ được giúp đỡ học tiếng Đức.

Con em của những người tỵ nạn cũng sẽ được đến trường. “Ở đây trẻ nhập cư sẽ được học tiếng Đức và chăm sóc miễn phí. Chính phủ Đức cũng cho tiền đi lại để các gia đình có thể đưa con em đến trường ổn định cuộc sống”, bà Fredenke Techechte-Mermeroglu, trường tiểu học Hunsruck, quận Neukolln, Berlin cho biết. Ngôi trường này thường xuyên mở khoảng 30 lớp học đón nhận 115 trẻ tỵ nạn và được coi là một môt hình điểm về giáo dục và chăm sóc trẻ nhập cư khi mới tới Đức.

Tiến sỹ Carmen Eugenia Bârsan khẳng định: “Bộ Lao động Đức đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ việc làm cho người nhập cư”. 

Không có “thảm hoa hồng” nào chào đón người nhập cư

Không thể phủ nhận người nhập cư đóng vai trò quan trọng đối với thị trường lao động Đức, nền kinh tế hàng đầu Châu Âu, hiện đang thiếu nhân công.

Nhưng một điều chắc chắn, nước Đức không trải thảm hoa hồng đón chào người nhập cư. “Mọi chuyện ban đầu rất khó khăn”, Shan Rahimkhan, ông chủ một chuỗi cửa hàng cắt tóc và nhà hàng nổi tiếng ở Berlin kể. “Vất vả nhất là học tiếng Đức. Nhưng, tôi may mắn là được các giáo viên người Đức hướng dẫn tôi rất tận tình”.

Tuy nhiên ông Shan Rahimkhan đã đến Berlin 20 năm trước đây và mọi thứ đều thuận lợi hơn bây giờ. Những người nhập cư đến Đức sau này đã phải chịu nhiều tác động hơn các thế hệ nhập cư trước đây.

Làn sóng di cư ồ ạt, có quá nhiều những kẻ khủng bố trà trộn lẫn trong dòng người di cư khiến người Đức và châu Âu phải cảnh giác hơn. Tuy vậy, người nhập cư vào Đức không phải là không có cơ hội nếu họ chịu khó.

Với quy định không được làm việc hơn 20 giờ/tuần, một người di cư có thể tìm được công việc như xếp bàn ăn, cắt bánh, phục vụ đồ ăn sau đó dọn dẹp với thu nhập tối đa 84 euro/tháng.

Khoản thu nhập này sẽ thêm vào khoản tiền hỗ trợ 143 euro mà chính phủ Đức chu cấp trong khi chờ các cơ quan chức năng xem xét giải quyết đơn xin tị nạn. Chính phủ cũng tạo cho người nhập cư tham gia các dự án lao động “1euro/giờ”, giúp họ có thêm thu nhập đồng thời giúp họ làm quen với cuộc sống mới.

Còn theo một cán bộ thuộc chương trình hỗ trợ người di cư Wilkommensbundnis Steglitz-Zehlendorf mà chúng tôi có dịp gặp gỡ ở thủ đô Berlin, thông thường tuỳ theo từng trường hợp, công việc cụ thể mỗi người tỵ nạn sẽ được nhận thêm từ khoảng 1 euro-23 euro/người/tháng.

Còn để tìm được việc làm chính thức ở Đức, người nhập cư phải đáp ứng được những điều kiện vô cùng ngặt nghèo mà thời gian ngắn nhất để được thừa nhận và chấp thuận sống ở Đức phải từ 3-5 năm. Nếu không họ sẽ bị trục xuất khỏi Đức.

Một gian hàng của người Việt ở chợ Đồng Xuân, Berlin.

Trong một bước đi mới nhất, Chính phủ Liên bang Đức ngày 25/5 đã thông qua gói dự luật về hội nhập, theo đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người tị nạn tham gia thị trường lao động, song cũng gắn trách nhiệm của họ trong việc hội nhập.

Dù dự luật Nhập cư mới được cho là sẽ tạo ra thêm 100.000 việc làm, tạo nhiều cơ hội cho người di cư và tị nạn được thừa nhận tham gia vào thị trường việc làm ở Đức, nhưng một điều tiên quyết chính phủ Đức mong muốn đảm bảo mạnh mẽ hơn về pháp lý đối với các trường hợp học nghề ở các công ty.

Những người nhập cư sẽ được phép ở lại Đức trong thời gian học nghề, song sẽ bị chấm dứt nếu họ bỏ dở việc học. Các trường hợp học xong sẽ có thời gian 6 tháng để tìm việc làm phù hợp và sau đó, họ sẽ được gia hạn quyền lưu trú thêm 2 năm.

Theo quy định mới, trong tương lai, người di cư và tị nạn được công nhận nếu đáp ứng đủ điều kiện có thể tự chọn nơi cư trú sau 5 năm, thay vì mức 3 năm vô điều kiện như hiện nay.

Tuy nhiên, mức thời hạn này có thể được rút xuống 3 năm với các trường hợp hội nhập tốt, có cuộc sống sung túc và đạt trình độ C1 tiếng Đức. Bên cạnh đó, các khoá học về hội nhập cũng được mở rộng với những người di cư và tị nạn được công nhận, theo đó, thời gian chờ tham dự khoa học được rút ngắn từ mức 3 tháng hiện nay xuống còn 6 tuần./.