Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên khắp thế giới, việc tiêm phòng vaccine trên quy mô toàn cầu được kỳ vọng là chìa khóa ngăn chặn đại dịch. Sau một loạt câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc vaccine, sự bất bình đẳng giàu nghèo ngăn cản tiếp cận vaccine, các nhà lãnh đạo thế giới, G7, và nhiều tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ bản quyền sáng chế vaccine nhằm tạo điều kiện cho đẩy mạnh sản xuất, cung ứng những phiên bản vaccine giá trẻ.
Dù đã cảnh báo nhiều lần nhưng thế giới tiếp tục chứng kiến tình trạng các nước nghèo bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua tiêm chủng vaccine.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Ngozi Okonjo-Iweala tuyên bố sẽ là “phi đạo đức” khi chỉ có 1,1/100 người dân châu Phi được tiêm vaccine trong khi ở Bắc Mỹ, tỷ lệ này là 40/100. Gần đây, nhiều tổ chức đã kêu gọi các nước giàu chia sẻ số lượng vaccine chưa dùng đến cho các nước nghèo và được một số nước như Tây Ban Nha hưởng ứng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp mấu chốt phải là mở rộng sản xuất và chia sẻ bản quyền vaccine.
Trong một tuyên bố mang tính đột phá, các nhà lãnh đạo G7 hôm 5/5 cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vaccine ngừa Covid-19 với mức giá chấp nhận được cũng như về các phương pháp điều trị, chẩn đoán.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các nhà sản xuất vaccine trên thế giới chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vaccine ngừa Covid-19 mà họ sở hữu bản quyền: “Tổ chức Y tế Thế giới cùng với các nước trên thế giới kêu gọi các công ty sản xuất vaccine dỡ bỏ các trở ngại vốn đang ngăn cản sự tiếp cận các sản phẩm y tế quan trọng. Chúng tôi kêu gọi các công ty chia sẻ bản quyền sáng chế, và dữ liệu với các công ty sản xuất vaccine đạt chuẩn chất lượng khác, trong đó có ở các nước thu nhập thấp và trung bình".
Quan điểm này được đưa ra giữa lúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển.
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo –Iweala cho biết: “Cần phải có sự đồng thuận của gần 100 thành viên trong Hội đồng Quyền sở hữu trí tuệ liên quan thương mại (TRIPS) về việc bãi bỏ bản quyền vaccine để các nước đang phát triển có thể tiếp cận vaccine. Hiện nay vấn đề này đang được tranh luận. Tôi tin rằng, các thành viên của WTO đang thảo luận với nhau và sẽ đi đến nhất trí để chúng ta có giải pháp về sự bình đẳng tiếp cận, đồng thời vẫn bảo vệ được vấn đề nghiên cứu-phát triển của các công ty dược”.
Các thành viên WTO đang đánh giá những tiến triển sau 7 tháng đàm phán liên quan đến đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc miễn trừ bản quyền sáng chế đối với các loại vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, các quyết định của WTO đều dựa trên sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên.
Trước sức ép của các nghị sỹ Dân chủ và hơn 100 quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5/5 cũng tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO.
Trước việc đi ngược lại quan điểm lâu lay của chính quyền cũng như lợi ích của các công ty dược, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai giải thích mặc dù quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhưng đây là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch Covid-19 cần các biện pháp đặc biệt. Hơn nữa, sự bùng phát dữ dội ở Ấn Độ có thể làm gia tăng các chủng kháng vaccine. Trên Twitter, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lập tức gọi động thái của Tổng thống Biden là sự khôn ngoan, phản ánh vai trò đi đầu của Mỹ.
Dù vấp phải sự chống đối của các công ty dược phẩm Mỹ vốn có doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong cuộc khủng hoảng Covid-19, Tổng thống Biden trước mắt chịu sức ép phải chia sẻ nguồn cung vaccine và công nghệ để hỗ trợ chống dịch trên toàn cầu./.