LTS:Tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, SCMP) có trụ sở ở Hong Hong vào hôm 23/1/2021 (trước thềm Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đăng tải một bài viết chuyên sâu với độ dài gần 3.200 từ tiếng Anh cùng 8 bức ảnh lớn về Việt Nam, trong đó có các bức ảnh về lãnh đạo và nhà nước của Việt Nam. Bài viết có nhiều nội dung phong phú về kinh tế và chính trị Việt Nam, với ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia.

Tư tưởng chung của bài báo là Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã giành được thắng lợi ngoạn mục trong phát triển kinh tế và kiềm chế dịch bệnh Covid-19, trở thành một ngôi sao đang lên, một lực lượng hùng hậu trong nền kinh tế châu Á và an ninh khu vực...

Dưới đây là phần lược dịch của VOV.VN đối với một số nội dung chính, đáng lưu ý trong bài viết này:

***

Đạt được mục tiêu kép

Thắng lợi của Việt Nam trong xử lý đại dịch Covid-19 đã nâng cao vị thế của đất nước.

Với sự quản lý kinh tế hiệu quả cũng như thành tích trong khống chế dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 và đây là bằng chứng cho lập luận của một số học giả cho rằng Việt Nam nên được xem xét như một cường quốc hạng trung.

Kể từ khi Việt Nam tự cách ly với thế giới để phòng dịch Covid-19 vào tháng 3/2020, hệ thống giám sát chặt chẽ, thời kỳ cách ly bắt buộc và việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên diện rộng của nước này đã giành được sự ca ngợi trên toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá Việt Nam đã tiến tới trạng thái “cùng tồn tại hòa bình với Covid-19”, mà trong đó quốc gia này đã đạt được mục tiêu kép: Kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Lye Liang Fook - một điều phối viên của Chương trình Việt Nam học tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết thắng lợi trên cho phép Việt Nam tập trung lấy lại đà tăng trưởng.

Lye nói: “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2-3% trong năm 2020, đây là mức phát triển rất tích cực so với tăng trưởng âm ở nhiều nước khác”.

Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng trên 6% trong năm 2021 – một bước phát triển có khả năng củng cố vị thế của nước này như “ngôi sao đang lên” của châu Á.

Nhà kinh tế cao cấp Irvin Seah của DBS Group đã sử dụng thuật ngữ trên trong một báo cáo 2019. Vị này tin rằng Việt Nam cuối cùng đã “đến thời của mình”, khi hội tụ đồng thời các nền tảng kinh tế mạnh và chính sách tốt bảo đảm triển vọng dài hạn tươi sáng.

Seah cho biết, Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi kể từ hơn 1 thập kỷ trước đây, khi Việt Nam phải vật lộn với lạm phát tới 28% và tăng trưởng yếu.

Kể từ năm 2012, Việt Nam đã nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ, tập trung cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngành tài chính và đầu tư công. Kể từ đó, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 6,4%, có mức lạm phát ổn định, và bắt đầu vượt các đối thủ khu vực.

Seah viết: “Về quy mô nền kinh tế, Việt Nam dự kiến sẽ gia nhập hàng ngũ một số nền kinh tế tương đối phát triển hơn trong khu vực trong thập kỷ tới”.  Seah lý giải thành công này là do các khu công nghiệp được tích hợp ở mức độ cao, vị trí chiến lược của đất nước này trong chuỗi cung ứng khu vực, ưu đãi thuế hấp dẫn, thuế doanh nghiệp thấp, và lực lượng lao động có sức cạnh tranh.

Vào tháng 10/2020, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Từ năm 2002 đến 2018, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD vào năm 2019, và hơn 45 triệu người đã được thoát nghèo”.

Tháng 1/2021, hãng Economist Intelligence Unit (chuyên về phân tích tình hình kinh tế) báo cáo rằng Việt Nam đã vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp ở châu Á và trở thành một trung tâm mới cho sản xuất chi phí thấp trong chuỗi cung ứng châu Á.

Đà tăng trưởng mạnh

Ivan V. Small, nghiên cứu viên tại Chương trình Việt Nam học của ISEAS, cho biết tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì khi ngành du lịch địa phương hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Xuất khẩu hàng chế tạo cũng như nông sản, bao gồm từ điện thoại thông minh, con chip, hàng điện tử, đến hàng dệt may, giày dép, cà phê và gạo, đều có khả năng sẽ tăng.

Small cho rằng đà tăng trưởng này sẽ được tiếp thêm năng lượng từ chiến lược đầu tư mà theo đó, các công ty nước ngoài, do thương chiến Mỹ-Trung Quốc, lên kế hoạch chuyển hoặc đã thực thi chuyển các cơ sở sản xuất của mình sang Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh đầu tư vào Trung Quốc.

Cuôc chiến thương mại nói trên làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn do thuế đối với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc gia tăng khiến các hãng nếu kinh doanh ở Trung Quốc thì sẽ bị giảm lợi nhuận.

Small cho biết thêm, một số thỏa thuận tự do thương mại mà Việt Nam mới ký gần đây như FTA Việt Nam-EU và RCEP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội nữa cho Việt Nam.

Đã vậy, Small bổ sung thêm, “Việt Nam còn có cam kết mạnh về phát triển công nghệ và thúc đẩy nền kinh tế số”.

Theo chuyên gia Bill Hayton, các công ty lớn nội địa như tập đoàn Vingroup là một nguồn quan trọng khác cho tăng trưởng của quốc gia này.

Vingroup được xem như phiên bản Hyundai hoặc Samsung của Việt Nam. Tập đoàn này đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra toàn cầu. Ngoài bất động sản và khu nghỉ dưỡng, tập đoàn này còn mở rộng sang lĩnh vực siêu thị mini, trường học, chăm sóc y tế, và thậm chí cả sản xuất ô tô và điện thoại thông minh.

Vị thế cường quốc hạng trung

Chỉ số Lowy Institute Asia Power Index năm 2020 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 12 trong số 26 quốc gia khu vực có sức mạnh toàn diện, thứ 11 về sức mạnh quốc phòng, và ca ngợi Việt Nam là một “cường quốc hạng trung” ở châu Á.

Lye nêu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019 ở Hà Nội như bằng chứng về vai trò của Việt Nam vượt ra ngoài cấp độ quốc gia.

Kể từ năm 2014, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và đã khai trương Trung tâm Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Hà Nội.../.