Tờ Asia Times có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) hôm 13/7 đăng một bài viết nói về quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Viet_My_afp_ITBH.jpg
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP.

Bài báo viết, hai quốc gia cựu thù này đã kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ với nhiều lời chúc tốt đẹp dành cho nhau.

Theo tác giả bài báo, Việt Nam giờ được xem là một đối tác gần gũi hàng đầu của Mỹ ở Đông Nam Á, còn Washington thì thường xuyên hỗ trợ Hà Nội trên trường quốc tế.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu hôm 11/7 nhân kỷ niệm sự kiện này: “Hôm nay chúng tôi có thể chân thành gọi nhau là bạn và đối tác”. Còn Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc thì đáp lễ bằng việc bình luận về tình cảm mà dân tộc 2 nước dành cho nhau.

Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2015 (tức là thời điểm 40 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam) thì có tới 76% người Việt Nam có thái độ ưa thích Mỹ, và tỷ lệ này lên tới 89% ở nhóm đối tượng có trình độ giáo dục cao. Đấy là những con số phần trăm thuộc hàng cao nhất trong cuộc khảo sát này.

Quan hệ Việt-Mỹ ban đầu được cải thiện chậm chạp. Năm 1991, Chính phủ Việt Nam mở một văn phòng POW/MIA (tù binh và người mất tích trong chiến tranh) ở Hà Nội, còn các du khách Mỹ được phép nhập cảnh vào Việt Nam vào các tháng sau đó.

Năm 1992, các hãng của Mỹ được phép mở văn phòng đại diện ở Việt Nam. Năm 1994, Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam. Đến năm 2016, Mỹ dỡ bỏ tiếp lệnh cấm vận vũ khí.

Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhà lãnh đạo cao nhất đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đón chào Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng vào đầu năm 2017 – nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được mời tới Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump. Tổng thống Trump sau đó chọn Hà Nội làm nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Chúng tôi đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau, và quyết tâm vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai”.

Thực sự, Mỹ giờ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau duy nhất nước Trung Quốc láng giềng.

Thương mại song phương đã mở rộng từ chỉ khiêm tốn trên 400 triệu USD vào năm 1994 lên mức 77 tỷ USD vào năm 2019.

Ngay cả giữa đại dịch Covid-19, thương mại hai nước đã tăng lên mức 26 tỷ USD trong 5 tháng đầu tiên của năm 2020, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới phân tích tin rằng thương mại sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, nhờ không nhỏ vào việc các công ty Mỹ xem Việt Nam là một điểm đến lý tưởng cho việc dời nơi kinh doanh khi Washington tránh dựa vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Trong số các nước cựu thù của Mỹ ở Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí đặc biệt với Mỹ.

Hồi năm 1995, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã nhận xét rằng thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam mang lại cho Mỹ các lợi ích về an ninh quốc gia./.