Theo dõi nhưng không tìm cách ngăn chặn

Theo Reuters, ngay từ hồi tháng 1, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tênBrahim Abdeslam- một trong những kẻ đánh bom tự sát trong vụ khủng bố ở Paris- khi tên này có mặt ở biên giới nước này và áp giải sang Bỉ. Thậm chí, họ còn thông tin với cảnh sát Bỉ rằng tên này có tư tưởng cực đoan và bị nghi ngờ muốn gia nhập IS.

canh_sat_phap_bataclan_ophp.jpg
Cảnh sát Pháp tuần tra bên ngoài Nhà hát Bataclan vài ngày sau khi vụ khủng bố ở Paris diễn ra. Ảnh AFP

Tuy nhiên, khi bị thẩm vấn tại Bỉ, tên này chối phăng mọi liên hệ với phiến quân khủng bố và được thả tự do. Thậm chí cảnh sát Bỉ còn thả cả em trai của hắn là Salah- kẻ trốn thoát sau vụ khủng bố ở Paris- với lý do họ có những bằng chứng rõ ràng cho thấy 2 tên này không hề có ý định như đã bị cáo buộc.

Trong khi đó, tên Ismail Omar Mostefai, người Pháp gốc Algeria tham gia vào vụ tấn công ở Paris cũng có tên trong danh sách theo dõi của mật vụ Pháp từ năm 2010 do nghi ngờ có khả năng đe dọa an ninh quốc gia.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng nghi ngờ tên Mostefai có liên hệ với phiến quân IS. Ankara cũng đã viết thư cho Paris để cảnh báo về tên này 2 lần vào tháng 12/2014 và tháng 6/2015. Tuy nhiên, cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ dường như bị Pháp làm ngơ và chỉ hồi đáp khi sự đã rồi.

Trong khi đó, kẻ thứ 4 tham gia vụ tấn công khủng bố ở Paris cũng đã 4 lần không trình diện cảnh sát Pháp mỗi tuần theo yêu cầu của cảnh sát nước này vào năm 2013 mới bị giới chức Pháp phát lệnh truy nã và đến thời điểm đó tên này đã “cao chạy xa bay”.

Việc cảnh sát các nước không mạnh tay ngăn chặn những tên khủng bố nói trên cũng phần nào lý giải được việc làm thế nào chúng có thể lên kế hoạch và tổ chức tấn công trong khi vẫn tự do di chuyển khắp châu Âu.

Các chuyên gia nhận định, mỗi lần để hụt mất chúng là một lần cho thấy giới chức an ninh thiếu liên lạc với nhau, không có khả năng theo dõi những đối tượng khả nghi cũng như không đủ thông tin tình báo và nguồn lực cần thiết để đối phó với sự gia tăng đáng kể của những kẻ mà họ nghi ngờ sẽ gia nhập những tổ chức Hồi giáo thánh chiến.

Kêu ca phàn nàn và đổ lỗi cho nhau

Thay vì nhận lỗi và tìm cách để khắc phục những thiếu sót mà các chuyên gia vạch ra, giới chức Pháp và Bỉ lại tìm cách phân trần và đổ lỗi cho nước bạn.

“Chúng tôi đang ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực phục vụ cho công tác an ninh. Các nhân viên an ninh đều cho rằng sẽ có một vụ tấn công khủng bố nào đó xảy ra nhưng họ không biết ở đâu và bao giờ”, bà Nathalie Goulet, Chủ tịch Ủy ban Điều tra về Mạng lưới Hồi giáo Thánh chiến thuộc Thượng viện Pháp giãi bày.

Ông Louis Caprioli, cựu Giám đốc DST- Đơn vị Chống khủng bố của Pháp- lại “chĩa mũi dùi” về phía Bỉ và coi đây là mắt xích yếu nhất trong an ninh của châu Âu.

“Họ đơn giản là không có cơ sở vật chất tốt như Cơ quan Tình báo MI5 của Anh hay DGSI của Pháp”, ông Caprioli nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã lên tiếng bênh vực các cơ quan an ninh của nước này và ca ngợi họ “đang làm một công việc gian khó”.

Dù các cơ quan an ninh Bỉ đang bị chỉ trích, Thủ tướng nước này Charles Michel vẫn ca ngợi họ đang phải "làm một công việc gian khó". Ảnh Reuters

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng không ngần ngại khen ngợi lực lượng an ninh nước này khi đã truy đuổi và bắn hạ được tên Abdelhamid Abaaoud- kẻ được coi là chủ mưu vụ tấn công khủng bố ở Paris- 5 ngày sau khi vụ khủng bố kinh hoàng này diễn ra trong một đợt truy quét ở Saint Denis.

Cảnh sát châu Âu đã lên tiếng khẳng định họ chia sẻ thông tin mình có được cho cả Pháp và Bỉ nhưng thừa nhận, các nước này còn yếu kém trong việc tận dụng những thông tin này.

Mất bò mới lo làm chuồng?

Sau khi vụ khủng bố ở Paris diễn ra, Pháp đã tuyên bố thiết lập tình trạng khẩn cấp trên khắp cả nước trong vòng 3 tháng.

Theo đó, cảnh sát có quyền khám xét mà không cần chờ lệnh từ các cơ quan tư pháp và có thể tiến hành quản thúc tại gia trong vòng 12 giờ đối với bất kỳ kẻ nào mà họ nghi ngờ có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Mọi trang web được cho là có thể khích động hoặc khuyến khích các hoạt động khủng bố đều bị chặn và việc tụ tập biểu tình ở những nơi công cộng bị cấm hoàn toàn.

Binh sĩ cùng xe bọc thép của Bỉ xuất hiện trên đường phố Brussels để bảo đảm an ninh. Ảnh Reuters

Bỉ cũng đã tuyên bố thắt chặt an ninh và khẳng định sẽ chi thêm 400 triệu USD cho công tác an ninh và thực hiện các biện pháp cần thiết như tạm dừng việc mua bán sim điện thoại cho những kẻ không muốn công bố danh tính.

Cảnh sát Bỉ cũng được quyền tiến hành khám xét nhà bất ngờ và việc kết án hay thậm chí trục xuất những kẻ rao giảng tư tưởng thù địch cũng trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ những biện pháp này đã đủ cứng rắn hay chưa. Cuối tuần qua, an ninh tại Bỉ “căng như dây đàn” sau khi giới chức nước này tuyên bố có một âm mưu khủng bố rõ rằng nhằm vào Bỉ.

Ông Roland Jacquard, Chủ tịch Tổ chức Đài quan sát Khủng bố Quốc tế, nhận định: “Khi giới chức an ninh các nước tiến hành những chiến dịch trấn áp rầm rộ như thế này, những tên khủng bố sẽ được dặn là “nằm im” từ vài tháng trước đó. Khi mà chúng không còn nằm trong tầm ngắm của cảnh sát thì việc truy bắt chúng cũng khó như “mò kim đáy bể”.

Ngoài ra, các chuyên gia an ninh cảnh báo, việc xác định xem một kẻ nào đó nguy hiểm như thế nào và liệu hắn có dám tiến hành một vụ tấn công khủng bố hay không cũng khó khăn không kém.

“Điều này là cực khó bởi, nếu không nhận được thông tin gì cụ thể trong vòng vài năm từ một đối tượng nào đó, bạn khó có thể duy trì mãi bộ máy theo dõi quá cồng kềnh nhằm vào hắn”, ông Arnaud Danjean, một cựu quan chức tình báo và giờ là thành viên Nghị viện châu Âu chia sẻ./.