Không còn lựa chọn nào khác
Salman và gia đình của anh đã 3 lần vượt Eo biển Manche (English Channel) với hy vọng sẽ đặt chân được tới bờ biển nước Anh nhưng cả 3 lần người đàn ông Iraq cùng với vợ và 3 đứa con của mình đều phải quay lại. Giờ đây, khi thời tiết trở nên xấu hơn và việc vượt biển trở nên khó khăn hơn, gia đình anh đã chuyển sang phương tiện là những chiếc xe tải. Giấc mơ của họ, vẫn là đặt chân đến nước Anh.
39 người chết trong xe container ở Anh. Ảnh: PA |
Người đàn ông 42 tuổi này hiểu những rủi ro mà gia đình anh phải đối mặt trên chiếc xe tải thấp thoáng bóng tử thần song giống như nhiều người khác sống trong những khu trại tạm bợ ở miền bắc nước Pháp sau khi chạy trốn khủng bố và chiến tranh ở quê nhà, anh hầu như có rất ít sự lựa chọn.
"Vẫn biết là nguy hiểm nhưng ở lại Iraq còn nguy hiểm hơn. Chúng tôi muốn vượt biên", anh Salman chia sẻ.
Gia đình anh Salman cũng giống hàng trăm người khác, trong đó nhiều gia đình có con nhỏ đang ở trong cùng một khu trại cách Calais, Pháp khoảng 50 km - nơi mà điều kiện sống vô cùng tồi tệ với nhiều vấn đề về an ninh.
Các tổ chức từ thiện cho biết những người này khao khát tới Anh và phải trả khoảng 10.000 bảng cho những kẻ buôn người để đảm bảo sẽ đặt chân đến nước Anh bằng xe tải hoặc bằng thuyền qua eo biển Manche. Mạng lưới tội phạm này thường hoạt động trong những khu trại tạm bợ của những người di cư và được cho là có ảnh hưởng lớn đến những chọn lựa của những người tị nạn đang vô cùng tuyệt vọng.
Điều kiện sống tồi tàn đã khiến nhiều người rời bỏ các khu trại tị nạn, bất chấp những rủi ro để vượt biên vào nước Anh. 4 người đã chết khi tìm cách vượt eo biển Manche cách đây 3 tháng và vụ việc 39 người chết trên xe container ở Anh trong tuần này là những câu chuyện đau lòng, dấy lên những vấn đề nhức nhối về nạn buôn người trên thế giới hiện nay.
Số người vượt biên bất hợp pháp qua eo biển Manche để vào Anh là hơn 3.000 người mỗi tháng, trong khi chỉ riêng năm ngoái, lực lượng an ninh biên giới ở Pháp và Bỉ cho biết có hơn 35.000 trường hợp đã bị phát hiện và chặn lại.
Salman và gia đình anh hiện vẫn đang ngủ trong một khu bảo tồn thiên nhiên ở Grande-Synthe, Dunkirk, Pháp - nơi điều kiện sống được miêu tả là tồi tệ nhất trong khu vực. Gần đây, họ thậm chí không có nước sạch và phải uống nước ở một hồ gần đó.
Ahmad Al-Rashid - một người tị nạn Syria hiểu 39 nạn nhân thiệt mạng trong xe container ở Anh đã trải qua những điều khủng khiếp như thế nào vì anh cũng từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Người đàn ông 29 tuổi từng nghẹt thở trong một chiếc xe chở hàng đông lạnh cùng một nhóm người di cư trong hành trình vượt biên vào nước Anh năm 2015. Chiếc xe tải thậm chí đã không thể rời cảng Calais của Pháp khi ai đó nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của những người di cư và mở cửa thùng xe cho họ.
"Tôi từng ở trong tình cảnh của họ. Tôi hiểu nỗi tuyệt vọng trong những giờ phút sinh tử ấy. Trong trường hợp của tôi, ai đó đã tới giúp chúng tôi, nhưng với họ, tất cả những tiếng la hét đều chìm vào tuyệt vọng", anh Al-Rashid chia sẻ.
Rashid đã chia sẻ câu chuyện của mình trên AP để mọi người hiểu rằng những người di cư và những người tị nạn đánh cược tính mạng của họ trên những chiếc xe tải "tử thần" và những con thuyền đầy hiểm nguy bởi những con đường an toàn đã đóng lại với họ. Anh Rashid cho rằng họ liều lĩnh bởi họ không còn lựa chọn nào khác.
"Không ai đặt mạng sống của mình vào nguy hiểm không vì lý do gì cả. Mọi người làm vậy bởi đã quá tuyệt vọng".
Làm sao để ngăn những thảm kịch đau lòng?
Nghị sĩ đảng Bảo thủ vùng Thurrock của Anh - nơi chiếc xe container chở 39 nạn nhân đỗ, bà Jackie Doyle-Price bày tỏ: "Đây không phải là lần đầu tiên các nạn nhân được tìm thấy trong một xe container ở vùng này. Tôi rất tiếc khi phải nói rằng tất cả điều này xảy ra rất thường xuyên".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Diane Abbott nhận định: "Chính phủ nên thiết lập các tuyến đường an toàn và hợp pháp cho những người tị nạn thực sự để đảm bảo họ sẽ đến được đây. Nếu không làm vậy, tôi e rằng sẽ có thêm những thảm kịch như thế này xảy ra".
Bà Doyle-Price cho rằng đây là một "vấn đề đa quốc gia" cần sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn "những kẻ buôn người xấu xa".
Theo Dự án Người di cư mất tích của cơ quan di cư Liên Hợp Quốc, 97 người đã chết trên những con đường đầy rủi ro vào châu Âu trong năm 2019.
Beth Gardiner-Smith, người đứng đầu tổ chức Safe Passage nhận định: "Chính vì những con đường an toàn và hợp pháp không có sẵn nên những người di cư mới phải liều mình trên những hành trình nguy hiểm như vậy. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Anh hãy hành động ngay lập tức để tăng thêm các con đường hợp pháp và an toàn cho những người cần chúng"./.