Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đang xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt vì những diễn biến sau cuộc đảo chính thất bại hôm 14/7 vừa qua. Các nước phương Tây vốn ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khi xảy ra đảo chính nhưng nay đang ngày càng quan ngại vì chiến dịch “làm trong sạch” bộ máy nhà nước và mục tiêu tiếp theo là lực lượng an ninh.
Cùng ngày, cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ gần 300 thành viên của đội cận vệ Phủ Tổng thống. Ngoài ra, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng hủy bỏ gần 11.000 hộ chiếu, chủ yếu của các viên chức nhà nước.
Theo truyền thông địa phương, hiện có ít nhất 2.500 người đang làm việc trong đội cận vệ Phủ Tổng thống và đã có 283 người bị bắt giữ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hủy bỏ 10.856 hộ chiếu của những viên chức nhà nước có thể bị bắt giữ hoặc đang tìm cách bỏ trốn.
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, việc bắt giữ hàng loạt và đe dọa xử trảm những thành viên tham gia đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là hành động bắt buộc phải thực hiện sau đảo chính của chính quyền Tổng thống Erdogan. Các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng nhân quyền trong quá trình điều tra xét xử thủ phạm vụ đảo chính.
Một số quan chức châu Âu cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị danh sách những người sẽ bị trừng phạt vì đảo chính trước khi đảo chính xảy ra. Liên minh châu Âu cảnh báo, nếu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết thực hiện bước đi này, không loại trừ khả năng NATO sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tổ chức.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cũng kêu gọi Tổng thống Erdogan và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ không hành động thái quá sau vụ đảo chính: “Chúng tôi đã thể hiện niềm tin và hy vọng mãnh liệt rằng khi tình hình lắng xuống sẽ không có hành động thái quá nào ảnh hưởng đến quyền tự do dân chủ hoặc làm suy yếu tiếng nói của phe đối lập và các nhà báo, vốn là cách để họ thể hiện những mối quan ngại cũng như kiến nghị cho chính phủ”.
Thế nhưng, bất chấp những chỉ trích từ bên ngoài về cách chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng sau vụ đảo chính này, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cúi đầu trước áp lực của Liên minh châu Âu nhằm ngăn cản Ankara khôi phục lại mức án tử hình cho những kẻ chủ mưu.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag nói: “Liên minh châu Âu đã để chúng tôi đợi ngoài cửa quá lâu, đến 53, 54 năm. Chúng tôi đã loại bỏ án tử hình, thậm chí đưa ra Hiến pháp sửa đổi cấm bất cứ hình thức nào áp dụng lại án tử hình. Nhưng họ có chấp nhận chúng tôi không? Câu trả lời là “Không”. Các nước châu Âu không gặp khó khăn nào trong việc tìm lý do để ngăn cản chúng tôi gia nhập khối. Tất nhiên chúng tôi luôn xem xét đánh giá của Liên minh châu Âu nhưng ưu tiên của chúng tôi là lợi ích của người dân”./.