Cuộc đảo chính quân sự làm chấn động Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước đã tiến sát đến việc giành quyền lực hơn nhiều người tưởng. Song vì sao nó lại thất bại? Dưới đây là nhận định của nhà báo Tom Stevenson thuộc Hãng Truyền thanh và Truyền hình Quốc tế Đức (Deutsche Welle) tại Istanbul về nguyên nhân âm mưu đảo chính thất bại.
Gần 20 năm trôi qua kể từ cuộc đảo chính cuối cùng trong bốn cuộc đảo chính quân sự thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1997. Thậm chí phần đông phe đối lập đã khen ngợi đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về thành tích cuối cùng đưa được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới vòng kiểm soát dân sự.
Chính vì vậy, cuộc đảo chính đêm 15/7 đã gây rúng động đối không chỉ đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ mà đối với giới quan sát bởi sự trỗi dậy cũng như tính chất đẫm máu của nó. Đến sáng ngày 16/7, "giông tố" đă qua và chính quyền của Tổng thống Erdogan vẫn trụ vững. Song kể từ đó, trên 8.000 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét hậu đảo chính.
Một vài người Thổ có trí tưởng tượng cao hơn thậm chí cho rằng những gì đã diễn ra có thể là "một vụ đảo chính giả”, một vở kịch do chính ông Erdogan tạo ra để củng cố quyền lực của chính mình.
Song thực tế chứng minh không phải vậy. Chiến lược đảo chính này chắc chắn, toàn diện và việc thực thi không hề vụng về dù thất bại vào phút chót.
Giống như hầu hết các cuộc đảo chính khác, cuộc binh biến lần này diễn ra như là một cuộc chạy nước rút. Lực lượng âm mưu đảo chính đã tiến hành chớp nhoáng, đầy bất ngờ và chỉ vấp phải một hai yếu tố trở ngại trong quá trình triển khai, nếu không rất có thể đã đi đến thành công trong việc tạm thời giành quyền lực nhà nước.
Các lực lượng đảo chính đông đảo và đã đột nhập được vào căn cứ quân sự ở mức độ đáng kể. Cuộc đảo chính diễn ra dưới sự lãnh đạo của ba tướng cao cấp nhất của Thổ Nhĩ Kỳ: cựu Tổng Tư lệnh Không Quân Akin Öztürk, Tướng Adem Huduti -Tư lệnh Quân đoàn 2, và Tướng Erdal Ozturk - Tư lệnh Quân đoàn 3. Sau cuộc đảo chính, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng cộng 103 sỹ quan có hàm thiếu tướng hay cao hơn (gần một phần ba số tướng lĩnh trong lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ).
Diễn biến cuộc đảo chính quân sự bất ngờ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ có bề dày lịch sử về các cuộc đảo chính quân sự. Cuộc đảo chính thành công lần gần đây nhất là vào năm 1997.
Các lực lượng đảo chính đã cử hàng chục đội tấn công độc lập để chiếm đóng các cứ điểm chủ chốt ở các trung tâm đô thị quan trọng về mặt chính trị. Các lực lượng này đã thành công trong việc nhanh chóng bắt giữ và vô hiệu hoá Tổng Tư lệnh Quân đội, Tổng Tư lệnh Không quân, Tổng Tư lệnh Hải quân và người đứng đầu đội Cảnh binh (Gendarmerie). Quân đảo chính đã chiếm trụ sở đầu não quân đội và căn cứ của đội Cảnh binh. Lực lượng này đã giành quyền kiểm soát cơ quan phát thanh và truyền hình nhà nước và những nút giao thông chủ chốt ở Istanbul và Ankara. Ngoài ra, lực lượng đảo chính còn giành đủ sức mạnh không quân và xe bọc thép để có lợi thế tấn công vào các lực lượng chính phủ trung thành thưa thớt, không có người cầm đầu.
Vậy sao cuộc đảo chính đầy toan tính này lại thất bại?
Có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại này. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất đó là thất bại sớm của đội tác chiến trên không trong việc bắt giữ Tổng thống Erdogan, người đã tẩu thoát thành công trong gang tấc.
Thứ hai, mặc dù các lực lượng đảo chính nhanh chóng chĩa mũi tấn công vào dinh tổng thống tại Ankara, song họ dường như đã đánh giá chưa đúng mức đội quân phòng vệ dinh tổng thống và đã bị chặn đứng bởi một cuộc chiến đẫm máu và cuối cùng thất bại trong việc chiếm dinh tổng thống.
Thứ ba, phe đảo chính đã không xâm nhập hay thu phục được lực lượng cảnh sát, đây là tuyến đầu tiên trong lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp bộ máy nhà nước. Trong một vài giờ đầu đảo chính, lực lượng cảnh sát phần lớn giữ thái độ trung lập, không tán thành hay phản đối các lực lượng đảo chính ngoại trừ ở những nơi bị tấn công trực tiếp. Song lực lượng cảnh sát đã chuyển sang lập trường chống đối mạnh mẽ khi biết rõ rằng Tổng thống Erdogan đã không bị bắt giữ.
Ngoài ba nguyên nhân chính trên, các lực lượng đảo chính còn mắc nhiều lỗi nhỏ khác.
Phe đảo chính đã không thu phục hay vô hiệu hoá được lực lượng tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức thường ra chỉ thị cho các nhà thờ Hồi Giáo khắp nước để vận động tiến hành kháng chiến trên đường phố. Các lực lượng này đã không bắt giữ được Thủ tướng Binali Yildirim và Bộ trưởng Nội vụ Efkan Alaka và không chiếm được trụ sở Bộ Nội vụ ở Ankara. Các lực lượng này chậm trong việc chiếm giữ các đài truyền hình tư nhân.
Cuối cùng, các điều kiện ngay trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ không thuận lợi cho cuộc đảo chính bởi thậm chí các bộ phận cử tri ủng hộ đảo chính như giới kinh doanh thượng lưu trong nước và tầng lớp xã hội quý tộc phản đối mạnh mẽ việc lật đổ hoàn toàn chính phủ hiện hành. Vì vậy, dù các lực lượng đảo chính có thắng thế thì lực lượng này cũng sẽ phải vật lộn để duy trì quản lý nhà nước mà không gây rủi ro xung đột đẫm máu kéo dài.
5 điều rút ra sau cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ
Song không thể thể kết luận rằng cuộc đảo chính bất thành là nửa vời, thiếu nhiệt huyết hay chỉ là một trò lừa bịp. Giành quyền kiểm soát một nước lớn và phức tạp như Thổ Nhĩ Kỳ là một điều không dễ dàng. Nhìn chung, các cuộc đảo chính quân sự có tỉ lệ thành công là 50-50 với cơ hội thắng lớn hơn ở các xã hội nhỏ hơn và ít phát triển hơn.
Nếu như đội tấn công bằng trực thăng nhằm bắt Tổng thống Erdogan đến sớm hơn hay đội tấn công vào dinh tổng thống tại Ankara thắng thế, thì câu chuyện đảo chính ngày 15/7 có thể có cái kết hoàn toàn khác./.