Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (14/5) tuyên bố có thể cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Đây là phát biểu quyết liệt nhất của ông Donald Trump về quan hệ với Trung Quốc, liên quan đến xử lý đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh số ca tử vong Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng cao, mâu thuẫn này được nhận định sẽ làm bùng phát các xung đột khác giữa hai nước như: thương mại, công nghệ, tuyên truyền…
Quan hệ Mỹ - Trung bị “phủ bóng đen” vì đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters |
Trả lời phỏng vấn với đài Fox Business Network, Tổng thống Donald Trump cho rằng, sự thất bại của Trung Quốc trong việc ngăn chặn Covid-19 đã khiến thỏa thuận thương mại giữa hai nước hồi tháng 1 trở nên u ám cho dù thỏa thuận này được Mỹ xem là một thành tựu quan trọng.
"Họ đáng lẽ không được để chuyện này xảy ra. Tôi đã đàm phán một thỏa thuận thương mại tuyệt vời và giờ tôi không cảm thấy nó giống như trước nữa. Mực còn chưa khô và dịch bệnh đã tràn đến", ông Trump khẳng định.
Thông điệp cứng rắn của Tổng thống Trump xuất hiện giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng xoay quanh vấn đề nguồn gốc đại dịch và cách Trung Quốc ứng phó dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu bùng phát. Kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái và nhanh chóng lây lan trên phạm vi toàn cầu, cho đến nay Mỹ hiện là nước có vùng dịch nghiêm trọng nhất với gần 1,5 triệu ca mắc và gần 87.000 ca tử vong. Giờ đây khi Covid-19 đe dọa xóa sổ thành tựu kinh tế, Tổng thống Donald Trump coi việc đối đầu với Trung Quốc là thành tố trung tâm trong chiến lược tái cử nhằm đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Trung Quốc phản bác tất cả cáo buộc về đại dịch khi nhấn mạnh, nước này luôn minh bạch trong cuộc chiến chống Covid-19 và đã hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới. Trong cuộc họp báo vào hôm qua (14/5), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ ngừng tấn công Trung Quốc, mà thay vào đó tập trung bảo vệ công dân của mình và đóng góp nhiều hơn cho hợp tác toàn cầu chống dịch Covid-19.
“Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể đáp ứng kịp thời các mối quan tâm của người dân một cách cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm và thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe của người dân, thay vì chỉ đổ lỗi cho người khác”.
Với tư cách là hai nền kinh tế đầu tàu thế giới, những tranh cãi liên quan đến dịch Covid-19 không chỉ có tác động tiêu cực trực tiếp đến mối quan hệ của hai nước mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu. Bằng chứng là hôm 7/5 vừa qua, Nghị quyết Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn trong các cuộc xung đột khu vực trên thế giới đã gặp trở ngại do tranh cãi giữa hai nước liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nguyên nhân được cho là bởi Mỹ chống lại nội dung kêu gọi ủng hộ hoạt động của WHO trong toàn bộ thời gian đại dịch. Trong khi đó, Trung Quốc kiên quyết rằng Hội đồng Bảo an cần đề cập và ủng hộ hoạt động của Tổ chức này./.