Tuyên bố trên được lãnh đạo hai nước đưa ra trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây có thể là cuộc gặp cuối cùng giữa 2 nhà lãnh đạo trước khi Tổng thống Obama rời khỏi nhiệm sở trong bối cảnh thỏa thuận hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine xa vời hơn bao giờ hết.

israel_my_fnti.jpg
Quan hệ Mỹ-Israel lại được cải thiện sau nhiều sóng gió gần đây. Ảnh: AP

Cuộc gặp lần này là nỗ lực nhằm tạm gạt sang một  bên mối quan hệ căng thẳng từ lâu giữa tổng thống Obama và thủ tướng Netanyahu. Cuộc gặp diễn ra sau khi Mỹ thông báo viện trợ quân sự 38 tỷ USD cho Israel trong vòng 10 năm, kể từ năm tài chính 2018, bao gồm 5 tỷ USD phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cho Israel. Đây là gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay mà Mỹ dành cho một quốc gia đồng minh.

Mỹ và Israel đã chật vật đàm phán suốt 10 tháng mới đạt được thỏa thuận này vì đảng Cộng hòa Mỹ và phía Israel muốn tăng số tiền thêm 1,5 tỷ USD mỗi năm, đồng thời nới lỏng thêm các điều khoản giải ngân.

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu cho rằng dẫu sao đạt được một thỏa thuận với Mỹ để mỗi năm nhận 3,8 tỷ USD viện trợ thay vì 3,1 tỷ như trước đây cũng là phương án tốt hơn cả so với việc đàm phán với chính phủ kế nhiệm tại Mỹ mà không nắm chắc khả năng sẽ đạt được những điều khoản tốt hơn.

Phát biểu tại cuộc gặp Tổng thống Obama ngày 21/9, Thủ tướng Netanyahu đã cảm ơn Tổng thống Obama về khoản viện trợ này, đồng thời khẳng định, Nhà nước Do Thái không có người bạn nào lớn hơn nước Mỹ.

“Chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào đối mặt với những thách thức chung và nắm bắt lấy những cơ hội chung. Thách thức lớn nhất tất nhiên là chủ nghĩa cuồng tín. Cơ hội lớn nhất ở đây là thúc đẩy hòa bình. Đó là mục tiêu mà người Israel không bao giờ từ bỏ. Trong quá trình theo đuổi 2 nhiệm vụ đó, Israel không có người bạn nào vĩ đại hơn nước Mỹ và Mỹ cũng vậy đối với Israel”, ông Netanyahu nói.

Bầu không khí cuộc gặp được báo giới ghi nhận là thân thiện và êm ả. Tổng thống Obama khẳng định, mối liên hệ với Israel dựa trên “những giá trị chung, sự gắn kết gia đình và việc công nhận Nhà nước Do Thái là một trong những đồng minh quan trọng nhất”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng đề cập những bất đồng ý kiến với Israel về việc nước này tiếp tục xây dựng các khu định cư cho người Do Thái trên đất chiếm đóng của Palestine.

Tổng thống Mỹ tin rằng, hành động này cản trở triển vọng thành lập Nhà nước Palestine và khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông. Ông Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Nhà nước Israel ổn định và an toàn, sống hòa bình với các nước láng giềng. Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng nước này có thể tiếp tục là đối tác hữu ích cho Israel trên con đường tìm kiếm hòa bình.

“Rõ ràng tôi sẽ chỉ còn là Tổng thống trong vài tháng nữa trong khi ngài Thủ tướng sẽ giữ cương vị lâu hơn một chút. Hy vọng của chúng tôi là những cuộc đối thoại như thế này sẽ giúp chúng tôi hiểu ra Israel nhìn nhận cơ hội và thách thức ra sao trong những năm tới để đảm bảo rằng chúng ta có thể xây dựng một nhà nước Israel ổn định và hòa bình với láng giềng Palestine”, ông Obama nói.

Kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ lần đầu vào năm 2009, ông Obama đã tuyên bố với Liên hợp quốc rằng sẽ theo đuổi hòa bình giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, vào thời điểm chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng ở Nhà Trắng, thân tín của Tổng thống Obama cho biết, ông đang tạm dừng việc đưa ra bất cứ sáng kiến mới nào cho hòa bình Trung Đông./.