Có thể nói, năm 2015 là một năm nhiều sóng gió với quan hệ Mỹ- Israel, với liên tiếp các cú sốc lớn.

Ngày 29/12, báo chí Mỹ và châu Âu đồng loạt tiết lộ thông tin về chương trình do thám của Mỹ nhằm vào đồng minh truyền thống Israel. Tạp chí Phố Wall của Mỹ khẳng định, bất chấp cam kết hạn chế do thám đồng minh sau vụ bê bối của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi các cuộc liên lạc của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou. 

benjamin_netanyahu_1024x682_jadm.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou. (Ảnh: Australian National Review).

Theo bài viết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận thấy rằng, có những lý do an ninh quốc gia khẩn cấp buộc nước này phải tiếp tục chương trình do thám đối với một  số nhà lãnh đạo, trong đó của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou.

Chính vì thế, chính quyền Mỹ đã quyết định không rút lại hay vô hiệu hóa các thiết bị điện tử đã được cài đặt để giám sát những cuộc liên lạc  nước ngoài, bởi sẽ khó có thể khôi phục lại trong trường hợp cần thiết. Trong trường hợp của Thủ tướng Israel, điều mà chính phủ Mỹ lo ngại đó là khả năng nước này tìm cách do thám các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân.

Chính phủ Israel hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, song theo các nhà phân tích, những thông tin này sẽ càng làm cho quan hệ Mỹ và Israel vốn đã gặp nhiều sóng gió thời gian gần đây càng trở nên xa cách hơn.

Trên thực tế, gần một năm qua Mỹ đã ngừng cập nhật tình hình cho đồng minh lâu đời nhất tại Trung Đông của mình về những tiến triển trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran. Đây thực sự là một cú sốc với Israel, bởi nước này không bao giờ muốn vị trí cường quốc của mình ở Trung Đông bị lung lay. Một khi Iran hợp tác với Mỹ và phương Tây, vị thế của Israel sẽ bị đe dọa. Và bài phát biểu hồi đầu năm của Thủ tướng Israel trước Quốc hội Mỹ càng kéo dài hơn khoảng cách giữa hai nước. 

Theo các nhà phân tích, cơ nguyên của những rạn nứt này là sự tương phản sắc nét giữa các mối quan hệ căng thẳng giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou và Tổng thống Mỹ Obama và mối quan hệ chặt chẽ giữa Thủ tướng Israel với lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Chính điều này đã góp phần làm cho Thủ tướng Israel lần đầu tiên trở thành mối nguy hiểm cho tương lai của mối quan hệ đặc biệt Mỹ - Israel.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều tin vào sự bền vững của mối quan hệ an ninh giữa Israel và Mỹ và chắc chắn, trong một thời gian dài nữa, những tranh chấp về vấn đề chính sách ngoại giao sẽ vẫn  không thể chạm đến các mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước như tình báo và quốc phòng, công nghệ, tài chính,….. . Ngay bản thân hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel dù không bằng lòng với nhau song cũng không bao giờ phủ nhận những chất keo gắn kết trong quan hệ hai nước.

Tổng thống Mỹ nói: “Hơn bao giờ hết, chúng tôi đang có sự hợp tác quân sự và tình báo rất chặt chẽ. Những hỗ trợ quân sự mà chúng tôi dành cho Israel không chỉ là nghĩa vụ của chúng tôi đối với an ninh Israel, mà còn là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng an ninh Mỹ tại khu vực, cũng như nhằm đảm bảo rằng, một trong những đồng minh thân cận của chúng tôi không chỉ có thể tự bảo vệ mà còn có thể cùng làm việc với chúng tôi nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa an ninh khác”.

Dẫu vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, nếu Israel tiếp tục theo đuổi chính sách “xung đột với phần còn lại của thế giới” như hiện nay, thì cuối cùng Mỹ có thể sẽ không thể cùng với với Israel "chống lại thế giới". Và chương trình do thám của Mỹ nhằm vào Israel là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự hoài nghi đang lớn dần lên giữa hai nước./.