Bộ trưởng Quốc phòng Israel và Hy Lạp hôm qua (26/1) cho rằng, các phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được tài trợ bằng “tiền của Thổ Nhĩ Kỳ”. Bình luận này nhiều khả năng sẽ gây trở ngại cho các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều năm lạnh nhạt.
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Israel Moshe Yaalon tại thủ đô Athens của Hy Lạp, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Panos Kammenos cho rằng, hầu hết khối lượng dầu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng được chuyên chở qua Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại, tiền cũng đi qua nước này để tài trợ cho khủng bố.
Một cơ sở lọc dầu từng bị IS chiếm giữ tại Syria. (Ảnh: Reuters) |
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ “thay đổi thái độ, không hợp tác với khủng bố, không thực hiện những hành động có thể gây bất ổn trong khu vực”.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Israel còn tố cáo chính Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các phần tử thánh chiến đi từ châu Âu qua nước này để đến Syria, Iraq và ngược lại. Ông Moshe Yaalon cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ như trở thành một phần trong mạng lưới khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Bên cạnh đó, Israel cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ dung túng cho một số thành viên phong trào Hamas vốn bị nước này coi là khủng bố đang sống ở thành phố Istanbul.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel nhấn mạnh rằng, chỉ có chấm dứt tất cả những vấn đề trên, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể khôi phục lại quan hệ với Israel cũng như thực sự tham gia vào các nỗ lực chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới.
“Giờ mọi chuyện phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ, vào chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, họ phải quyết định liệu có muốn trở thành một phần của bất cứ sự hợp tác nào trong cuộc chiến chống khủng bố hay không. Đến nay thì điều này không phải là sự thật”, ông Yaalon nói.
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phủ nhận việc cho phép IS buôn lậu dầu qua nước này. Tháng trước, Mỹ đã bác bỏ cáo buộc của Nga cho rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và gia đình Tổng thống Tayyip Erdogan bắt tay với IS để buôn lậu dầu.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Tone thừa nhận thông tin rằng, IS đã bán dầu cho những người trung gian có liên quan tới hoạt động buôn lậu dầu qua biên giới tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sau vụ Israel tấn công tàu viện trợ cho Dải Gaza tháng 5/ 2010 làm 10 nhà hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng hàn gắn quan hệ với Israel sau khi quan hệ với Nga có phần xấu đi vì cuộc xung đột ở Syria. Tuy vậy, những nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa 2 đồng minh của Mỹ này đến nay vẫn chưa đem lại kết quả nào.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hồi đầu tháng này cho biết, hai bên không đạt được thỏa thuận về yêu cầu bồi thường từ phía Ankara sau vụ tấn công tàu trên và Israel cũng không tiếp thu lời kêu gọi của Thổ Nhĩ Kỳ về việc chấm dứt phong tỏa Dải Gaza./.