Hôm 29/10, các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ bào chữa các hoạt động do thám đại quy mô của mình là “hợp pháp” và cho rằng giới chức Mỹ cũng bị các đồng minh của nước này, bao gồm cả các nước EU, theo dõi tình báo bấy lâu nay.

“Mấy cái vụ này làm tôi nhớ đến bộ phim kinh điển ‘Casablanca’”, Giám đốc Tình báo Quốc gia  James Clapper nói với giới lập pháp Mỹ trong phiên điều trần tại Đồi Capitol.  “Chúa ơi, lại có đánh bạc ở chỗ đó à?!” – ông này diễn đạt lại 1 câu trong bộ phim này, trong đó 1 viên cảnh sát ra vẻ ngạc nhiên trước chuyện cá cược tại 1 câu lạc bộ khét tiếng vì chứa chấp đánh bạc.

Cả ông Clapper và Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Tướng Keith Alexander ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm 29/10 giữa lúc diễn ra cơn bão bê bối Mỹ nghe lén công dân và lãnh đạo các nước, bao gồm cả việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

giam%20doc%20tinh%20bao%20quoc%20gia%20my.jpg
Tướng Alexander (trái) và Giám đốc Tình báo Quốc gia Clapper tại phiên điều trần hôm 29/10 (ảnh: Reuters)

Các tin tức về vụ việc này, dựa trên các tài liệu do cựu nhân viên CIA đào tẩu Edward Snowden tung ra, đã làm dấy lên phẫn nộ trong các quan chức châu Âu bao gồm cả 1 phái đoàn nghị viện châu Âu đang ở thăm Washington vào tuần này để thảo luận mạng lưới theo dõi của Mỹ.

Hai ông Clapper và Alexander phát biểu rằng các đồng minh Mỹ đã tiến hành các chiến dịch tình báo theo dõi ban lãnh đạo Mỹ và việc theo dõi này chẳng có gì mới mẻ cả. “Đấy là một trong những điều đầu tiên tôi học ở trường tình báo,” ông Clapper nói.

Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đang cố gắng ngăn chặn các tổn hại do loạt vụ tiết lộ tình báo nói trên gây ra. Tờ New York Times dẫn lời các quan chức chính quyền và quốc hội tuyên bố: Nhà Trắng thông báo cho Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (đứng đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện) rằng ông Obama theo kế hoạch sẽ ra lệnh cho NSA ngừng nghe lén các lãnh đạo đồng minh Mỹ.

Trong 1 cuộc họp báo vào ngày 29/10, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã hướng các câu hỏi về tường trình trên tờ New York Times sang ông Feinstein. Tuy nhiên, ông Carney nói “đã có 1 số quyết định được đưa ra liên quan đến các hoạt động thu thập của tình báo nước ta”.

Ông Carney cho biết việc xem xét lại các hoạt động của NSA theo lệnh của Quốc hội - dự kiến kết thúc vào cuối năm này - sẽ giúp đưa ra một quan điểm thích hợp khi xem xét vấn đề liên quan đến các nguyên thủ.

Trong khi đó, trong vài tuần lại đây, ông Obama đã ra lệnh cho NSA cắt giảm hoạt động theo dõi tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, theo nguồn tin Reuters.

Hãng Reuters dẫn 1 nguồn tin khác, cùng là thành viên trong chính phủ Mỹ, nói rằng Mỹ “không thực hiện theo dõi điện tử” tại trụ sở Liên Hợp Quốc, mặc dù nhân vật này không nói rõ việc theo dõi nói trên có từng được thực hiện trong quá khứ hay không.

Trong tuyên bố của mình trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Clapper nói rằng Mỹ duy trì cơ chế giám sát chương trình gián điệp với mức độ chặt chẽ hơn tất thảy các nước khác. Ông Clapper cũng cảnh báo về nguy cơ hy sinh an ninh đất nước cho các quyền dân sự và quyền riêng tư do sự “quá đà” trong việc “sửa sai”.

“Chúng tôi không theo dõi bất cứ ai ngoại trừ việc đó phục vụ cho các mục đích tình báo đối ngoại hợp lý. Chúng tôi không vi phạm luật,” ông Clapper nói.

Giám đốc Tình báo Quốc gia thừa nhận do lỗi con người và lỗi kỹ thuật mà “niềm tin vào cộng đồng tình báo đã bị xói mòn”.

Snowden, 1 chuyên gia vi tính từng làm cho cả CIA và NSA, trở thành tâm điểm chú ý của thế giới từ mùa hè vừa rồi sau khi anh này tiết lộ cho truyền thông các bằng chứng về các chương trình theo dõi mật của chính phủ Mỹ.

Snowden đã chạy sang Hong Kong rồi Moscow, nơi anh được hưởng quyền tị nạn tạm thời ở Nga vào cuối tháng 7/2013 bất chấp việc Washington liên tục yêu cầu dẫn độ. Hiện anh này đang sống ở 1 địa điểm bí mật tại Nga./.