Chương trình do thám của Mỹ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các đối tác châu Âu. Tây Ban Nha  là đồng minh mới nhất của Mỹ ngày 28/10 lên tiếng phản đối các hoạt động do thám của Mỹ.

Mặc dù đang cân nhắc các biện pháp phản ứng lại hoạt động nghe lén này của Mỹ nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng không có ý định làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ đồng minh truyền thống nhiều năm qua.

duc1.jpg
Dân Đức phản đối việc nghe lén của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Một tờ báo của Tây Ban Nha trích dẫn tài liệu của cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ Edward Snowden cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi hơn 60 triệu cuộc gọi ở Tây Ban Nha trong vòng một tháng.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho rằng, nếu những thông tin này được chứng minh, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa các đồng minh. Tây Ban Nha ngày 28/10 cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này đến để giải thích về những cáo buộc trên.

Ông Garcia-Margallo nói: “Chúng tôi bày tỏ lo ngại sâu sắc về thông tin được công bố trên truyền thông. Nếu được xác nhận, tôi nghĩ đây là hành động không chấp nhận được giữa các nước đồng minh và những người bạn. Chúng tôi đã đề nghị Đại sứ cung cấp các thông tin cần thiết về những lo ngại này”.

Phản ứng trước những cáo buộc đối với Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ đang xem xét lại chương trình do thám và hoạt động này có thể hoàn thành vào cuối năm nay.

Ông Carney cũng phủ nhận việc sử dụng các hoạt động thu thập tình báo để phục vụ cho mục đích kinh tế, ngoài mục đích an ninh. Mỹ cũng đang tích cực hợp tác với các đồng minh để xoa dịu những lo ngại này.

Ông Carney nói: “Chúng tôi nhận thức được sự căng thẳng của bê bối này gây ra. Chúng tôi cũng hiểu điều này đang gây lo ngại cho các nước đồng minh thân cận của Mỹ. Mỹ đang hợp tác để xoa dịu các lo ngại này cũng như thảo luận những vấn đề để hai bên có thể tiếp tục hợp tác vì mối quan hệ này rất quan trọng vì nhiều lí do, bao gồm cả lí do an ninh”.

Tuy nhiên, tuyên bố này của Mỹ không xoa dịu được sự tức giận của các đồng minh châu Âu. Các nhà lãnh đạo phương Tây đang xem xét biện pháp phản ứng trước cáo buộc nghe lén của Mỹ.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger ngày 28/10 cho biết,  Mỹ có thể mất quyền truy cập dữ liệu chuyển tiền của các ngân hàng để theo dõi sự lưu chuyển dòng tiền của bọn khủng bố.

Bà Sabine Leutheusser-Schnarrenberger khẳng định rằng, đây là một thông điệp cho người Mỹ thấy rằng chính sách của Liên minh châu Âu đang thay đổi. Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cũng không bác bỏ khả năng có thể trục xuất Đại sứ Mỹ tại nước này liên quan đến bê bối nghe lén Thủ tướng Đức.

Ông Hans-Peter Friedrich nói: “Trước tiên, chúng tôi sẽ phải làm rõ tình hình, đặc biệt liên quan đến việc hoạt động do thám diễn ra như thế nào. Câu hỏi bây giờ là liệu các quan chức ngoại giao Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin có liên quan đến hoạt động này không. Nếu chúng tôi xác định là đúng, họ sẽ phải đối mặt với các hậu quả pháp lý. Nếu là những nhà ngoại giao, họ phải rời Đức ngay lập tức”.

Mặc dù có những lời lẽ khá cứng rắn nhưng giới quan sát cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ chỉ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Mỹ, nhưng không có ý định làm tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Đức và chính phủ các nước châu Âu khác đều tuyên bố rõ ràng rằng, họ không muốn dừng các cuộc đàm phán Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Liên minh châu Âu, vì hai bên đều có những lợi ích quan trọng nếu thỏa thuận này được thông qua, đặc biệt chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc và các thị trường đang nổi lên khác.

Tây Ban Nha là nước mới nhất có phản ứng trước chương trình do thám của Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích chính trị Florentino Portero thuộc trường Đại học Mở của Tây Ban Nha, Tây Ban Nha sẽ không “ thổi phồng” tính nghiêm trọng của sự việc.

Chính phủ Tây Ban Nha không muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng với Mỹ sau vụ việc này, do những lợi ích kinh tế mà nước này đang nhận được từ Mỹ giúp đối phó với nền kinh tế Tây Ban Nha đang gặp nhiều khó khăn cũng như tỉ lệ thất nghiệp cao kỉ lục.

Mặc dù vậy, chuyên gia phân tích Heather Conley của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho rằng, Đức có thể sẽ đưa ra các bước đi cứng rắn để phản ứng trước bê bối này.  Được ví như “ ngọn hải đăng” của châu Âu, nên sẽ có thêm nhiều nước châu Âu khác sẵn sàng bước theo sự dẫn đường của Đức”./.