Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã mất 5 ngày đàm phán marathon ở mức độ căng thẳng nhất, với các phiên thảo luận xuyên đêm để có thể đạt được một thoả thuận Brexit chỉ 2 giờ trước khi các lãnh đạo EU phải họp để đưa ra quyết định cuối cùng. Nhìn xa hơn, cả hai phía đã phải chơi trò đuổi bắt trong gần 100 ngày dưới thời của ông Boris Johnson và gần 3 năm rưỡi kể từ ngày người dân Anh lựa chọn Brexit, để đi đến cái đích gần cuối cùng là một thoả thuận dường như mang lại sự hài lòng cho cả hai bên.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters |
Với cá nhân Thủ tướng Anh, sự hài lòng đó là việc trong thoả thuận mới đã không còn từ “chốt chặn – backstop”, dù đổi lại là một cơ chế giám sát hải quan và thuế vô cùng phức tạp mà nước Anh phải gánh vác. Về mặt chính trị, đó là một cú ghi điểm mang tính biểu tượng với cử tri trong nước.
Với châu Âu, việc hài lòng lại nằm ở các dự án tương lai, khi châu Âu đã buộc nước Anh phải đưa ra cam kết rằng sẽ “chơi đẹp” trong những năm tới, tức không biến Vương quốc Anh thành một Singapore ở cửa ngõ châu Âu qua việc áp dụng các tiêu chuẩn về thuế quan, môi trường và xã hội dưới tiêu chuẩn mà châu Âu đã xây dựng.
Thực ra, sự hài lòng lớn nhất mà cả EU lẫn chính phủ của ông Boris Johnson đạt được, đó là việc dường như đã có thể với tay đóng lại cánh cửa Brexit vốn làm hao tổn quá nhiều thời gian, sức lực và tài nguyên của cả hai phía trong suốt hơn 3 năm qua. Diễn biến trước mắt không hoàn toàn khả quan, khi khả năng Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận mới thậm chí còn cao hơn những gì đã diễn ra với thoả thuận cũ của bà Theresa May.
Nhưng bất kể điều gì sẽ xảy ra vào ngày 31/10 tới, hai bên có lẽ đều đã thoát khỏi sức ép nặng nề nhất. Cả EU lẫn chính phủ của ông Boris Johnson đều sẽ không còn bị lịch sử quy kết là thủ phạm gây ra một sự chia tay không thoả thuận tàn khốc giữa EU và Vương quốc Anh. Quả bóng trách nhiệm, giờ đây đã được đá sang chân các nghị sĩ Anh./.