Đây được xem là những động thái mới nhất của các nước Arab đứng đầu là Saudi Arabia nhằm đáp ứng lời yêu cầu thậm chí là gia tăng áp lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong khu vực.
Ảnh minh họa: Reuters
Kênh truyền hình BBCcủa Anh dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, danh sách 13 yêu cầu của các nước Arab đã được chuyển tới Qatar thông qua Kuwait, nước đứng ra làm trung gian hòa giải căng thẳng vùng Vịnh.
Những yêu cầu này là mang tính bắt buộc và không thể đưa ra đàm phán nhằm đổi lại việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của các nước trong khu vực đối với Qatar, cũng như chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất tại vùng Vịnh trong nhiều năm qua.
Ba trong số các yêu cầu này bao gồm việc các nước Arab yêu cầu Qatar phải đóng cửa hãng thông tấn Al Jazeera, giảm mối quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.
Ngoài ra, Qatar cũng buộc phải bồi hoàn cho các nước vùng Vịnh những thiệt hại và chi phí này sinh từ chính sách ngoại giao của Qatar trong vòng nhiều năm qua. Các quốc gia Arab vùng Vịnh cũng yêu cầu Qatar nội trong thời gian 10 ngày phải tuân thủ các yêu cầu trên.
Việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Qatar sẽ được giám sát kỹ lưỡng và nghiêm ngặt cùng với các báo cáo đánh giá đi kèm được công bố hàng tháng trong năm đầu tiên và 3 tháng trong năm tiếp theo và hàng năm trong 10 năm tiếp theo.
Theo đánh giá của giới phân tích, những yêu cầu trên của các nước Arab đối với Qatar được xem là khá ngặt nghèo, đặt Qatar đứng trước lựa chọn hoặc là phải thực hiện cam kết hoặc sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự cô lập.
Giới chức Qatar chưa có phản ứng chính thức trước yêu cầu trên của các nước Arab. Tuy nhiên, trước đó 3 ngày, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã nói rằng, Qatar sẽ không đàm phán với 4 quốc gia Arab trừ phi họ dỡ bỏ các biện pháp cấm vận đối với nước này.
Ngoại trưởng Qatar cũng nêu rõ các cuộc đàm phán phải diễn ra văn minh với một nền tảng vững chắc, không phải chịu áp lực hay bị cô lập. Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Qatar cho thấy, Qatar sẽ không dễ dàng gì thực thi yêu cầu của các nước trong khu vực.
Yêu cầu của các nước Arab vùng Vịnh được công bố chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 21/6 đã lên tiếng hối thúc các nước vùng Vịnh cần đưa ra những yêu cầu phù hợp và khả thi cho Qatar nhằm hóa giải những căng thẳng trong khu vực hiện nay.
Ông Tillerson cũng nhấn mạnh, Mỹ mong muốn đạt được sự đoàn kết trong các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để các bên có thể tập trung vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên khắp khu vực, đồng thời khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực hòa giải của Kuwait nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay.
Mỹ cùng nhiều nước, trong đó có Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện đã bước sang tuần thứ ba. Với Mỹ, việc giải quyết những căng thẳng giữa Qatar với các nước láng giềng vùng Vịnh có ý nghĩa quan trọng bởi căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông đặt tại Qatar. Bên cạnh đó, việc hóa giải căng thẳng vùng Vịnh sẽ giúp bảo vệ nhiều lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông trong đó có cuộc chiến chống khủng bố.
Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã nhấn mạnh đến khía cạnh này: “Ngoại trưởng Mỹ quyết tâm cam kết giải quyết căng thẳng trong khu vực cũng như giám sát chặt chẽ tình hình. Ngoại trưởng Mỹ cũng đã chuyển đi thông điệp của Mỹ tới các nhà ngoại giao khác của Mỹ ở nước ngoài.
Chúng tôi khuyến khích các bên giảm căng thẳng trong khu vực và cam kết đối thoại một cách tích cực. Chúng tôi kêu gọi các bên tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của khu vực và quốc tế nhằm đẩy lui khủng bố, đáp úng các cam kết được công bố tại Saudi Arabia cũng như giải quyết các tranh chấp một cách xây dựng”.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát ngày 5/6, sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar vì cho rằng Qatar ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực. Qatar kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Qatar./.
Bốn nước Arab nêu 13 điều kiện để chấm dứt khủng hoảng với Qatar
Khủng hoảng Qatar: Danh sách khủng bố “đổ thêm dầu vào lửa”