Cuộc khủng hoảng Ukraine không tìm được lối thoát cũng đẩy Nga-phương Tây vào tình thế “ăn miếng trả miếng”. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị những trừng phạt mới “sâu rộng và toàn diện hơn” nhằm vào Nga, nếu cuộc xung đột nhiều tháng qua tại miền Đông Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Những cột khói đen vẫn bao phủ Donetsk và thành phố cảng Mariupol miền Đông Ukraine trong 2 ngày cuối tuần qua, dù một thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết 24 giờ trước đó. 

phien_quan_egcw.jpgBinh sỹ lực lượng đối lập Ukraine tại thành phố Donetsk (Ảnh AP)

Các nguồn tin tại miền Đông Ukraine cho biết, ít nhất 1 người phụ nữ đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong các vụ tấn công giữa quân Chính phủ và lực lượng đối lập Ukraine. 

Tại Donetsk, tiếng súng đã vang lên tại nhiều khu vực, trong khi khói đen đã bốc lên tại khu vực gần sân bay thành phố này. 

Một quan chức thuộc lực lượng đối lập Ukraine cho biết, quân đội Ukraine vẫn không ngừng tấn công. Quan chức này đồng thời cảnh báo nếu các hành động khiêu kích còn tiếp diễn, lực lượng đối lập sẽ trở lại với cuộc chiến. Phía Chính phủ Ukraine lại cáo buộc chính lực lượng đối lập đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn. 

Thuận ngừng bắn tại vùng chiến sự miền Đông Ukraine được đại diện chính phủ Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và lực lượng đối lập ở miền Đông đặt bút ký ngày 5/9 tại Minsk, Belarus là một bước tiến quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngay sau đó đã điện đàm để thảo luận “cơ chế ngừng bắn vững chắc” tại miền Đông Ukraine, nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu trong việc giám sát thực hiện thỏa thuận vừa đạt được. 

Tuy nhiên, diễn biến chiến sự đang dập tắt hy vọng và những nỗ lực đưa hòa bình trở lại miền Đông Ukraine. Con đường tiến tới hòa bình tại Ukraine sẽ không hề dễ dàng, trong khi các bên chờ đợi hành động cụ thể hơn của Nhóm tiếp xúc về Ukraine thì các bên trong cuộc xung đột vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau đã phá vỡ lệnh ngừng bắn. 

Người phát ngôn quân đội Ukraine Volodymyr Polevoy nói: “Quân đội Ukraine tuân thủ hoàn toàn các điều kiện và lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, trong 24 giờ qua, một số trạm kiểm soát an ninh của chúng tôi đã bị các nhóm vũ trang nã đạn pháo. Ví dụ, điểm kiểm soát gần thành phố Mariupol đã bị tấn công”. 

Trong khi đó, các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa phương Tây và Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine đang khiến quan hệ đối đầu và tình hình khu vực thêm căng thẳng. Mỹ và các đồng minh châu Âu đang lấy thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine làm “thước đo” cho các lệnh trừng phạt Nga. 

Phương Tây tuyên bố sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới “sâu rộng và toàn diện hơn” nhằm gây áp lực đối với Nga. Tuy nhiên, các biện pháp này có thể được dỡ bỏ nếu thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng và các bên đạt được hiệp định cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua tại Ukraine, làm gần 3.000 người thiệt mạng. 

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO,Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Thỏa thuận ngừng bắn không đơn thuần là ngừng bắn bởi vì còn cả một quá trình sau đó. Thỏa thuận ngừng bắn phải được thực hiện, do đó, trừng phạt Nga là cần thiết, nhưng trừng phạt cũng có thể được dỡ bỏ nếu tiến trình sau thỏa thuận ngừng bắn thực sự diễn ra”. 

Hiện tại phương Tây đang áp dụng trừng phạt kinh tế Nga ở các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính. Liên minh châu Âu ngày 8/9, dự kiến sẽ công bố gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. 

Phía Nga hiển nhiên sẽ không ngồi yên để chịu trừng phạt. Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu về kế hoạch áp đặt trừng phạt, trong khi Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố đã sẵn sàng các biện pháp đối phó. 

Trong tuyên bố mới nhất ngày 8/9, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, các hãng hàng không châu Âu có thể hứng chịu hành động trả đũa cấm vận từ Nga và có thể sẽ phá sản trong trường hợp họ bị cấm bay trên không phận Nga.  

Liên minh châu Âu đã thống kê thiệt hại lên tới 6,6 tỷ USD sau 1 tháng ngấm đòn trả đũa từ Nga, các nước chịu thiệt hại nặng nề nhất là Latvia, Đức, Bỉ, Séc và Ba Lan. Giới phân tích dự báo, tháng 9 này sẽ đánh dấu một cuộc chiến kinh tế đầy khốc liệt giữa Nga và Liên minh châu Âu./.