Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Chính phủ và lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhất trí về gói trừng phạt kinh tế mới chống Nga. Động thái này được đưa ra sau khi Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thống nhất biện pháp kiềm chế Nga bằng cách thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với nguy cơ từ Moscow.
Như vậy, mặc dù miền Đông Ukraine đã tạm im tiếng súng, song quan hệ giữa Nga và phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng này được dự báo sẽ còn căng thẳng và diễn biến khó lường.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/9 tuyên bố sẽ có hành động đáp trả nếu Liên minh châu Âu (EU) thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, một khi các lệnh trừng phạt mới của EU được thông qua, phía Nga cũng sẽ có những phản ứng cụ thể. Phía Nga nhấn mạnh, “lẽ ra EU nên tìm cách phục hồi nền kinh tế miền Đông Ukraine, thay vì tìm các phương cách đánh vào kinh tế các nước thành viên và Nga”.
Theo thông báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận về một gói trừng phạt kinh tế mới chống lại Nga bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ và phe đối lập ở miền đông Ukraine đã bắt đầu có hiệu lực.
Theo hãng thông tấn Pháp AFP, các thành viên EU sẽ chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới vào ngày 8/9. Theo đó, gói trừng phạt mới sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt mà EU công bố hồi tháng 7 vừa qua, nhắm đến nhiều cá nhân hơn với các lệnh cấm du lịch và phong tỏa tài sản cũng như thắt chặt các con đường tiếp cận với thị trường vốn của các công ty dầu khí và quốc phòng Nga.
Giới ngoại giao phương Tây cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt có thể bị đình chỉ nếu thỏa thuận ngừng bắn được giữ vững và Nga rút quân khỏi miền Đông Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng chính quyền nước này sẽ xem xét các biện pháp chống lại Moscow phù hợp với việc nước này thực hiện các thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây, các nhà lãnh đạo liên minh quân sự này đã nhất trí tăng cường biện pháp kiềm chế Nga bằng cách thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với nguy cơ từ Moscow.
Phản ứng trước động thái này, phía Nga đã lên tiếng cáo buộc NATO do Mỹ đứng đầu đang lợi dụng cuộc khủng hoảng tại Ukraine để lấy cớ thực hiện mục tiêu dài hạn của NATO là chuyển các cơ sở của mình tới gần biên giới Nga. Moscow đồng thời nhấn mạnh, kế hoạch thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới sẽ phá hoại tiến trình hòa bình ở miền Đông Ukraine, thậm chí khơi nguồn cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù NATO đã nhất trí được về việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với các nguy cơ từ Nga, song khối quân sự này sẽ khó đạt được đồng thuận về một giải pháp chung trong nỗ lực kiềm chế Nga, do còn có những quan điểm khác nhau và chia rẽ trong nội bộ khối này.
Nhà nghiên cứu Alexander Nicoll thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Anh cho biết: “Quan điểm chiến lược của mỗi nước khác nhau phụ thuộc vào lịch sử, vị trí địa lý và những điểm khác nữa. Do các lợi ích chính trị khác nhau nên mỗi nước có những lợi ích thương mại khác nhau và mỗi nước đều có cách nhìn khác nhau về tình hình thế giới”.
Còn theo chuyên gia quân sự Nga Victor Baranez, NATO đang cố gắng gây áp lực toàn diện đối với Moscow, vì vậy khối này đã hành động theo hướng có lợi cho mình và hạ thấp uy tín của Nga. Điều mà NATO mong muốn nhất là làm sao để Nga không còn bất kỳ ảnh hưởng nào đến tình hình ở Ukraine.
Hiện nay Ukraine đang trở thành sân chơi mà NATO đang cố gắng khẳng định học thuyết ưu thế toàn cầu của mình, để "ngăn chặn Nga trở thành một trong những lực lượng của một thế giới đa cực". Nhà phân tích Baranez cho rằng, hiện nay, giải quyết một vấn đề có ý nghĩa toàn cầu không thể chỉ dựa trên quan điểm đơn cực./.