Trong một tín hiệu tích cực cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, ngày 4/9 Tổng thống Ukraine Poroshenko và lãnh đạo phe đối lập ở miền Đông đã tuyên bố sẽ ngừng ngay chiến sự, với điều kiện hai bên phải ký kết được một thỏa thuận hòa bình tại cuộc họp ở Thủ đô Minsk (Belarus) vào đầu giờ chiều 5/9 (theo giờ địa phương). Giới chức Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng sẽ tham dự cuộc đàm phán quan trọng này.
Bước đột phá này đạt được một tuần sau khi Lực lượng đối lập ở miền Đông phản công mạnh mẽ và giành ưu thế trong cuộc chiến với quân đội Chính phủ Ukraine. Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Vương quốc Anh), Tổng thống Ukraine Poroshenko tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động quân sự để mở đường cho việc “thực thi một kế hoạch hòa bình từng bước” nếu đàm phán bắt đầu tại Thủ đô của Belarus.
Tổng thống Ukraine Poroshenko nói: “Theo kế hoạch, vào lúc 14h chiều 5/9 sẽ diễn ra cuộc họp ba bên của Nhóm tiếp xúc quốc tế. Nếu đàm phán diễn ra theo kế hoạch và các bên nhất trí về kế hoạch ngừng bắn, chính quyền Ukraine sẽ thực thi ngừng bắn. Chúng tôi hy vọng rằng kế hoạch hòa bình đó sẽ được thực hiện vào ngày mai. Chúng tôi và các đối tác của chúng tôi cũng đang mong chờ điều đó”.
Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine công bố một kế hoạch ngừng bắn. Trước đó, nhiều kế hoạch ngừng bắn đã bị thất bại do các bên không tuân thủ. Bày tỏ thái độ “lạc quan thận trọng” về triển vọng một lệnh ngừng bắn sau cuộc đàm phán hòa bình này, Tổng thống Poroshenko cam kết sẽ làm mọi thứ để có thể đưa hòa bình trở lại cho miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, ông Alexander Zakharchenko, ngưới đứng đầu Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, hai khu vực chiến sự ác liệt nhất trong cuộc xung đột kéo dài 5 tháng nay, cũng ra tuyên bố nói rằng, sẽ ngừng bắn sau một giờ nếu như Chính phủ ở Kiev ký kết kế hoạch hòa giải chính trị. Tuy nhiên, khác với thái độ có phần lạc quan của Tổng thống Poroshenko, phe đối lập tỏ ra hoài nghi, đồng thời khẳng định cuộc họp này có thành công hay không là phụ thuộc chính vào “quyết tâm” của chính quyền Kiev.
Mặc dù trên bàn ngoại giao, cả hai cùng tuyên bố là vậy, song trên thực địa, đến tối 4/9, chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra. Theo hãng tin AP, ngay sau khi hai bên thông báo kế hoạch ngừng bắn, lực lượng Chính phủ Ukraine vẫn thực hiện các vụ pháo kích ở Donetsk.
Trong khi đó, truyền thông Ukraine đưa tin, một đoàn xe tăng Nga đang tiến về cảng Mariupol trên biển Azov và một số cuộc đụng độ nhỏ xảy ra ở ngoại ô thành phố này. Giới chức NATO nói rằng, hơn 3.000 lính Nga được trang bị xe tăng đang hoạt động trên lãnh thổ Ukraine và con số này tiếp tục tăng lên. Moscow một lần nữa lên tiếng phủ nhận thông tin vừa nêu, cũng như những cáo buộc cho rằng Nga đang hậu thuẫn lực lượng đối lập ở miền Đông.
Trước hàng loạt những động thái được cho là sẽ giáng đòn trừng phạt vào Nga, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo phương Tây không nên có bất kỳ hành động gây hấn nào đối với Nga bởi Moscow có thừa khả năng đáp trả.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, kiềm chế Kiev là một vấn đề cấp bách và duy nhất chỉ có Mỹ mới có thể sử dụng ảnh hưởng để phát đi tín hiệu cần thiết nhằm chuyển sang một quy trình chính trị từ những nỗ lực giải quyết tình hình bằng vũ lực và Nga luôn sẵn sàng giúp Ukraine ổn định tình hình.
Ngoại trưởng Nga nói: “Trước tình hình cấp bách hiện nay, các bên ở Ukraine nên khẩn trương tìm kiếm những phương pháp tiếp cận hòa bình để giải quyết những vấn đề cụ thể giữa Kiev và lực lượng đối lập ở miền Đông”.
Ông Lavrov cho biết: “Cũng giống như tổ chức OSCE, Nga luôn mong muốn Ukraine lập lại hòa bình, thống nhất. Để đạt được điều đó, tôi cho rằng chỉ có Mỹ mới giúp được. Bằng khả năng và ảnh hưởng chuyển tình thế sang một quy trình chính trị chứ không giải quyết tình hình bằng vũ lực”. Nga sẵn sàng hợp tác với OSCE để giúp các bên thực hiện các bước đi tiến tới hòa bình thực sự cho Ukraine.
Giới quan sát quốc tế nhận định, một lệnh ngừng bắn kéo dài nếu đạt được sẽ là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc xung đột kéo dài gần nửa năm qua ở Ukraine. Cho đến nay, cuộc chiến ác liệt tại đây đã cướp đi sinh mạng của 2.600 người, hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và dẫn tới 7 đợt trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga./.