Căng thẳng giữa Nga và phương Tây dường như đang bị đẩy lên cao hơn bao giờ hết trước thềm cuộc trưng cầu ý dân của Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine để quyết định “có sáp nhập vào Liên bang Nga hay không”. Trong khi liên tục gia tăng sức ép bằng những tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm vào Nga, phương Tây cũng đang cố gắng tìm giải pháp để đối phó với các “đòn kinh tế” đáp trả của Nga, nếu tình hình leo thang. 

ukraine_copy.jpg
Hiện Nga là nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho EU (Ảnh: AFP)

Hiện nay, Nga là nhà cung cấp khí đốt chủ yếu cho Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 1/3 tổng nhu cầu của khối này. Trong đó, khoảng 40% khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine. Còn về phía Nga, nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ đóng góp 52% ngân sách liên bang hàng năm.

Về phần mình, Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt của Nga đồng thời cũng là vị trí địa chiến lược đối với Nga. Trên thực tế, Ukraine cũng như châu Âu từng xảy ra 2 cuộc khủng hoảng khí đốt, song các thỏa thuận cũng đã được nhanh chóng ký kết sau đó. Trong cả hai trường hợp, Nga không chần chừ để đưa ra quyết định cuối cùng bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt cho nước láng giềng, ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tác châu Âu.

Chính vì lẽ đó, phương Tây buộc phải tìm giải pháp thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, nếu họ tiếp tục gây sức ép và áp đặt trừng phạt kinh tế chống Nga liên quan vấn đề Bán đảo Crimea. Đây là một trong những chủ đề chính được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thảo luận tại vòng đàm phán tiếp theo về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương, kết thúc ngày 14/3 tại Brussels (Bỉ).

Tại các cuộc thảo luận, các đối tác châu Âu đã nhắc đến hợp tác năng lượng và hối thúc Mỹ chấp thuận một khuôn khổ cho phép khối này tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn cung cấp khí ga hóa lỏng của nước này. Các nhà đàm phán châu Âu đã đặt ra những thách thức trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt khiến giá năng lượng tăng cao.

Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Karel de Gucht cho biết: “Chúng tôi - các nước châu Âu- là một khối, quá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của nước ngoài, đặc biệt là từ Nga. Có một giải pháp nào dễ dàng cho vấn đề này không? Điều này không dễ dàng. Nhiều nhà đàm phán đã đặt ra câu hỏi liên quan khí đốt chiết suất từ đá phiến (shale gas). Vì thế tôi đang đàm phán với Mỹ để chúng tôi có thể nhập khẩu loại khí đốt này”.

Tuy nhiên, việc đi đến một thỏa thuận năng lượng giữa EU và Mỹ là điều không dễ gì đạt được, vì việc cung cấp khí đốt cho châu Âu cũng đồng nghĩa với việc đẩy giá năng lượng tại Mỹ tăng cao.

“Vấn đề làm thế nào để giảm sự phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga?” cũng là một chủ đề chính được bàn thảo tại cuộc hội đàm ngày 13/3 giữa Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và người đồng cấp Đức Angela Merkel. Thủ tướng Ba Lan đề xuất thiết lập một hệ thống mua bán khí đốt chung của Liên minh châu Âu (EU).

Theo Thủ tướng Ba Lan, một hệ thống như vậy cho phép mỗi nước trong 28 thành viên EU không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga, từ đó tránh được việc Nga sử dụng nguồn nhiên liệu này như hình thức để tạo sức ép đối với châu Âu. Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng thông báo các hoạt động đầu tư, như xây dựng nhà máy khí đốt thiên nhiên hóa lỏng, hay hợp đồng dầu khí dài hạn với Qatar, sẽ góp phần làm đa dạng nguồn cung cấp khí đốt, dầu mỏ của Ba Lan nói riêng và các nước châu Âu nói chung. 

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, phương Tây đã đe dọa áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế. Theo giới phân tích, nếu cả Nga và phương Tây đều đưa ra các biện pháp trừng phạt trả đũa nhau thì hai bên cùng bị tổn hại và chưa biết bên nào sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Khí đốt lâu nay vẫn được coi là “vũ khí” của Nga trong cuộc chiến tranh kinh tế-thương mại nếu xảy ra với phương Tây.

Tuy nhiên, dường như Nga cũng không muốn sử dụng tới thứ vũ khí này, vì sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên. Gazprom - Công ty khí đốt do nhà nước quản lý của Nga – ngày 13/3 cho biết, công ty này sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ukraine, bất chấp số tiền mà Ukraine chưa thanh toán cho phía Nga đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga cũng cảnh báo việc chưa nhận được tiền thanh toán từ phía Ukraine sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của công ty này dành cho đầu tư và trả lợi tức.

Phát biểu tại Thủ đô Berlin của Đức, Giám đốc điều hành Công ty Gazprom - Alexei Miller- cho biết: “Chúng tôi muốn các đối tác của chúng tôi có thể trả nợ. Chúng tôi không muốn một cuộc khủng hoảng khí đốt. Hóa đơn khí đốt chưa trả của Ukraine tạo ra lỗ hổng của Công ty Gazprom trong việc đầu tư năm nay. Điều đó cũng tạo ra lỗ hổng trong kế hoạch ngân sách của chúng tôi cũng như ảnh hưởng đến việc thanh toán tiền cổ tức cho các cổ đông của công ty. Trong số các cổ đông cá nhân, chủ yếu là người nước ngoài”.

Theo các chuyên gia, mặc dù hiện nay Nga cung cấp khoảng 1/3 tổng nhu cầu khí đốt của châu Âu, tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu đang phục hồi kinh tế và mùa xuân đang tới, thời tiết ấm dần lên, nhu cầu khí đốt của châu Âu trước mắt không “quá căng”, trong khi Nga cần tiền bán nhiên liệu hơn để tăng nguồn thu.

Thực tế vừa qua, tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine với nền kinh tế Nga cũng rất lớn, cụ thể là chỉ trong một ngày (3/3), Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tung ra 11 tỷ USD để cứu đồng Rup, tức là gấp 5 lần so với mức can thiệp cao nhất trên thị trường mà Ngân hàng này đã từng phải ra tay trong quá khứ.

Theo các nhà phân tích, trong trường hợp phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại mạnh tay hơn, chặn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, thì GDP của Nga sẽ giảm khoảng 10% từ nay đến năm 2015 so với kịch bản không có leo thang xung đột./.