Thi thể các nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão Haiyan hiện vẫn còn nằm rải rác và đang phân hủy trên đường phố; những người sống sót đang tuyệt vọng cầu cứu sự trợ giúp về thực phẩm, nước và thuốc men; nhân viên cứu hộ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để tiếp cận các địa điểm bị bão tàn phá… Đó thực sự là một thảm họa quốc gia mà Philippines đang phải đối mặt khi bão Haiyan quét qua miền Trung nước này.

cau-cuu.jpg
Người dân Tacloban viết lời cầu cứu trên một cầu cảng (Ảnh: AP)

Người dân tuyệt vọng cầu cứu

Thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất là Tacloban hiện giống như một bãi chứa rác thải khổng lồ. Chỉ có một số ít các tòa nhà bê tông kiên cố còn đứng vững. Sức gió trên 100km/h, kèm theo sóng biển cao cả chục mét đã ném những con tàu khổng lồ lên bờ và cuốn trôi nhiều nhà cửa, đồ đạc ra biển.

"Hãy trợ giúp. SOS. Chúng tôi cần thực phẩm" – một người dân sống sót sau bão đã viết những dòng chứ này trên một cầu cảng đã bị bão Haiyan phá hỏng tại thành phố Tacloban.

Chẳng có ai còn thời gian để thu gom những thi thể hiện đang phân hủy dọc theo con đường chính từ sân bay đến trung tâm thành phố Tacloban. Tại một căn cứ hải quân nhỏ, 8 thi thể, trong đó có một đứa trẻ đang nằm trong vũng nước và trương sình. Các nhân viên cứu hộ vẫn chưa thể thu gom các thi thể này bởi không có túi đựng xác và không bảo quản được thi thể.

Nhà chức trách ước tính cơn bão đã giết chết hơn 10.000 người. Tuy nhiên đến thời điểm này, số liệu chính thức do chính phủ Philippines công bố là 1.774 người thiệt mạng.

Sẽ cần vài ngày nữa để có con số cuối cùng, ông Edwin Lacierda, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết, "Chúng tôi cầu nguyện" con số này không vượt qua 10.000 người.

"Làm ơn nói với gia đình tôi rằng, tôi vẫn còn sống", Erika Mae Karakot nói khi cô đứng giữa một đám đông người dân chờ đợi viện trợ. "Chúng tôi cần nước và thuốc vì có rất nhiều người dân đang bị thương. Một số người bị tiêu chảy và mất nước do thiếu lương thực và nước sạch để uống".

Emily Ortega sinh bé Bea Joy Sagales tại sân bay sau khi bão đi qua (Ảnh: AP)

Emily Ortega, 21 tuổi sắp đến ngày sinh khi cơn bão ập đến. Emily cho biết cô đã cố gắng bám được vào một cây cột sau khi trung tâm sơ tán bị bão tàn phá. Sau bão, Emily đã di chuyển an toàn đến sân bay của thành phố Tacloban - nơi cô đã hạ sinh ra một bé gái được đặt tên là Bea Joy Sagales với sự trợ giúp của các bác sĩ quân y.

Trong khi đó, Marvin Daga - sinh viên 19 tuổi đã cố gắng trụ lại trong nhà cùng với người cha ốm yếu của mình. Ngôi nhà của họ trụ vững một thời gian trước khi sụp đổ và bị cuốn đi theo những con sóng. Chàng thanh niên và cha mình đã cố bám vào một cây dừa cùng với những người khác, nhưng cha anh đã tuột tay và bị nước cuốn trôi. "Tôi hy vọng rằng ông ấy sống sót", Marvin nói trong nước mắt.

Gió, mưa và sóng biển đã biến các khu dân cư của thành phố Tacloban trở nên hoang tàn với đầy các mảnh vỡ, chặn các con đường và chôn vùi nhiều thi thể dưới đống đổ nát.

Các nỗ lực cứu trợ đang đổ về vùng thiên tai

Hiện các binh sĩ Philippines đang cố gắng phân phối thực phẩm và nước uống cho người dân sống sót sau bão. Các nhóm cứu trợ của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác cũng đã có mặt tại Tacloban vào ngày 11/11. Quân đội Mỹ đã gửi thực phẩm, nước uống, máy phát điện và một đội lính thủy đánh bộ đến thành phố Tacloban. Nhiều sự trợ giúp quốc tế khác cũng đang trên đường đến với người dân vùng thiên tai.

Tuy nhiên, những người sống sót đang mất dần sự kiên nhẫn và lo rằng viện trợ sẽ không đến sớm.

Tại thành phố Tacloban, người dân đã tấn công các khu mua sắm, cửa hàng và các nhà hàng. Các quan chức cho biết, cướp bóc trong tuyệt vọng, nhiều người lấy đi cả tivi, tủ lạnh, cây thông Noel thậm chí cả một máy chạy bộ. 

"Chúng tôi sợ rằng, thị trấn sẽ trở nên nguy hiểm hơn vì hàng cứu trợ đang đến rất chậm", ông Bobbie Womack - một nhà truyền giáo người Mỹ đến từ Athens, bang Tennessee cho biết.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã tuyên bố "tình trạng thảm họa quốc gia", nhằm cho phép chính quyền trung ương có thể sử dụng các quỹ khẩn cấp nhanh hơn và áp đặt kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu. 

Cảnh sát đẩy một xe chứa hàng cứu trợ tại căn cứ quân sự Tacloban cho các nạn nhân của siêu bão Haiyan (Ảnh: Reuters)

Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc ước tính có 2,5 triệu người sẽ cần hỗ trợ lương thực trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan. Tổ chức này đã thành lập một trang web mà các cá nhân và tổ chức hảo tâm có thể quyên góp cho những nỗ lực nhằm cung cấp cứu trợ cho các gia đình và trẻ em bị ảnh hưởng bởi cơn bão.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đang gấp rút để cung cấp viện trợ cho khoảng 4 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan. "Trẻ em rất cần tiếp cận nước sạch, đồ dùng vệ sinh, thực phẩm, chỗ ở và một môi trường an toàn để phục hồi", đại diện tổ chức này cho biết.

Tổ chức GlobalMedic của Canada cũng đang xúc tiến việc cung cấp nước sạch cho các nạn nhân của bão Haiyan. "Những người dân vùng thiên tai dễ bị tổn thương", Rahul Singh thuộc tổ chức GlobalMedic nói với tờ Toronto Sun. "Nước sạch là điều cần thiết để ngăn chặn một thảm họa phát sinh"./.